Điều này đồng nghĩa họ sẽ bán 192 triệu cổ phiếu, tương đương 14,7 tỷ USD, nhằm tăng độ linh hoạt tài chính để đầu tư vào các mảng kinh doanh khác. Prosus định giá số cổ phiếu họ nắm giữ tại 595 đôla Hong Kong (76,43 USD) - thấp hơn 5,5% so với giá đóng cửa của Tencent hôm qua.
Wall Street Journal cho biết kể cả trước khi mức giá này được công bố, nhà đầu tư đã xếp hàng chờ mua khoảng 3/4 số cổ phiếu của Prosus. Prosus khẳng định Tencent hiểu và ủng hộ quyết định của hãng.
Năm 2001, công ty mẹ của Prosus là Naspers mua một phần ba cổ phần Tencent với giá 34 triệu USD, trước khi Tencent làm IPO. Hiện tại, Tencent đã niêm yết trên sàn Hong Kong, là hãng video game lớn nhất thế giới về doanh thu, sở hữu ứng dụng đa năng WeChat và là công ty niêm yết giá trị nhất Trung Quốc với vốn hóa gần 776 tỷ USD.
Naspers thành lập Prosus tháng 9/2019 để quản lý các tài sản quốc tế của công ty này. Ngoài Tencent, Prosus còn nắm cổ phần hãng Internet Nga Mail.ru Group, hãng giao đồ ăn Đức Delivery Hero và sàn thương mại điện tử Mỹ Letgo.
Cổ phiếu Tencent tăng vọt trong năm qua, chạm đỉnh cuối tháng 1, có lúc kéo vốn hóa công ty lên trên 900 tỷ USD. Nguyên nhân là hàng triệu người dùng Trung Quốc tìm đến các ứng dụng và video game của hãng trong đại dịch. Tencent cũng là ông lớn đầu tư, khi gom cổ phần nhiều hãng công nghệ tăng trưởng nhanh, như Snap hay Pinduoduo.
Dù vậy, mã này gần đây đi xuống trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ Trung Quốc bị bán tháo. Nguyên nhân một phần là nhà đầu tư lo ngại giới chức Bắc Kinh siết kiểm soát các nền tảng Internet lớn. CEO Tencent Pony Ma tháng trước cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với chỉnh phủ về vấn đề tuân thủ quy định.
Đây không phải lần đầu tiên Naspers bán cổ phiếu Tencent. Tháng 3/2018, công ty này đã bán 190 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu về 31,2%, thu về 10 tỷ USD. Đó là lần đầu tiên họ bán cổ phiếu Tencent và khẳng định sẽ không bán tiếp trong ít nhất 3 năm. Prosus hôm qua cũng cho biết sẽ không bán thêm trong ít nhất 3 năm tới.
Hà Thu (theo WSJ)