Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), đây là số liệu tính đến 20/3, gồm tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Đây là mức tăng khá mạnh, sau hai tháng đầu năm liên tiếp sụt giảm.
Trong hơn 10 tỷ USD, vốn đăng ký mới đạt 7,2 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ, vốn điều chỉnh đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng giá trị đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 908 triệu USD, giảm 58,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, việc dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia và Việt Nam ảnh hưởng tới việc đi lại, cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án của các nhà đầu tư. Do đó, số dự án cấp mới, điều chỉnh vốn, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giảm.
Trong quý I, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho khá nhiều dự án quy mô lớn. Trong đó, dự án lớn nhất là Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD. Tiếp đến là dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD tại Cần Thơ.
Ngoài ra còn các dự án như LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD, chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD (chiếm 49,6%).
Trong 3 tháng đầu năm, Singapore là nước đổ nhiều vốn FDI nhất vào Việt Nam với gần 4,6 tỷ USD, thứ hai là Nhật Bản với gần 2,1 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ 3 với 1,2 tỷ USD.
Anh Tú