"Có một sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo là người giàu vay nợ ngân hàng là để đầu tư, còn người nghèo vay người thân để có cái ăn. Đầu tư là rất rủi ro nên có khi kiếm 8-9 tỷ một năm cũng có khi là mất trắng, không đủ tiền trả nợ còn phải ra tòa.
Bà hàng xóm khu tôi ở là chủ khách sạn. Để có khách sạn này bà phải vay ngân hàng 5 tỷ, trả gốc lãi 50 triệu đồng một tháng. Trước dịch Covid-19, làm ăn chẳng có vấn đề gì, nhưng sau dịch thì lao đao, mất khả năng trả nợ.
Kiếm tiền càng nhiều thì càng phải lao tâm khổ tứ là đương nhiên. Chỉ có những người được thừa kế hoặc chỉ làm công ăn lương thì cái đầu mới nhẹ thôi. Nhưng ai cũng muốn nhẹ đầu thì xã hội sẽ kém phát triển, phải có người dám làm chủ thì mới có việc cho người làm thuê.
Vậy nên chúng ta không nên có cái nhìn phiến diện là kiếm nhiều tiền mà sao khổ thế".
Độc giả hongnhungpaticusi đúc kết "thuyền to thì sóng cả" và nỗi lo của những người thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ đầu tư làm ăn nhưng không dám tiêu xài nhiều. Bình luận này được viết sau bài Thu nhập mỗi năm 9 tỷ đồng nhưng lao tâm, khổ tứ.
Tiếp nối theo câu chuyện của bài trước, độc giả Doctor X phân tích:
"Người bạn có thu nhập 9 tỷ mà phải đi vay mượn thì thường nằm trong trường hợp: cái gì cũng muốn đầu tư sinh lời (dàn trải), còn lại là khả năng quản lý tài chính (hoặc có thể cả hai kết hợp).
Riêng chuyện thu nhập và chi tiêu thì đó là kỹ năng tài chính và cái giá bạn trả để chấp nhận cuộc sống như vậy. Làm ra bao nhiêu vẫn quy về con số tích lũy cuối cùng và trải nghiệm, mức sống mà bản thân mong muốn (hay chấp nhận).
Tháng ăn một hay hai tô phở, hay đi du lịch nước ngoài nó có giá của nó theo định hướng bản thân. Có người sống ngày nào biết ngày đó, có người hy sinh đời bố củng cố đời con. Làm gì thì cũng là do bản thân lựa chọn, chấp nhận. Nếu không chấp nhận thì phải thay đổi.
Tôi cũng từng gặp người chỉ cần thấy tiền, mở tủ thấy tiền là vui rồi, ăn uống tiêu xài nghèo nàn cũng được. Người ngoài nhìn thấy họ khổ, nhưng với họ tiêu tiền mới là khổ".
Độc giả vudoanthailam, tác giả bài viết trước, bổ sung thêm: "Bạn tôi lợi nhuận 8-9 tỷ đồng một năm nhưng thuyền to thì sóng lớn, làm ăn kinh doanh mỗi năm dư ra số tiền như vậy cũng không chắc họ dùng lợi nhuận đó để ăn xài mà lại tiếp tục đầu tư vào vốn tiếp, không những thế họ còn đầu tư nhiều ngành nghề khác nên đôi khi đẩy họ vào trạng thái 'lao tâm, khổ tứ'".
Độc giả Yêu Toán Học nói: "Tôi cũng đã có một thời gian lao tâm khổ tứ, luôn luôn lo lắng cho công việc, ngủ không ngon, luôn trong tâm trạng stress.
Tuy nhiên nhờ cũng có khoảng thời gian đó, tôi mới rèn luyện được bản lĩnh, có được kinh nghiệm, có được sự điềm tĩnh. Qua khoảng thời gian đó đã tích lũy được tài chính, nền tảng kiến thức, để giờ 40 tuổi bắt đầu sống thong thả, sống chậm lại khi có 2-3 nguồn thu nhập.
Cái gì cũng có cái giá của nó".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.