Malaysia sáng sớm 6/8 công bố mảnh vỡ trôi dạt vào hòn đảo Reunion, tây Ấn Độ Dương, chính là phần cánh phụ của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 mất tích hồi đầu năm ngoái. Nhưng thông báo này ngay lập tức tạo ra mâu thuẫn giữa Kuala Lumpur và các đối tác khác cùng tham gia điều tra, đồng thời đẩy thân nhân những người có mặt trên chuyến bay vào trạng thái tâm lý thất vọng và ngờ vực, theo New York Times.
Nhiều người hoài nghi về động cơ cũng như thời điểm mà Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố phần cánh phụ "cuối cùng cũng được xác nhận" là của chiếc phi cơ mất tích thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS), bởi chỉ vài tiếng sau, trong một cuộc họp báo ở Paris, các nhà điều tra Pháp nhấn mạnh chuyên gia mới chỉ đưa ra "những giả định mạnh mẽ" rằng bộ phận được tìm thấy thuộc về mẫu máy bay Boeing 777.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cuối ngày hôm qua tiếp tục khiến tình hình trở nên rối loạn hơn khi cho biết đội tìm kiếm của nước này đã phát hiện thêm mảnh vỡ máy bay trên đảo Reunion. Trong khi đó, nhà chức trách Pháp lại phủ nhận thông tin trên.
Sự khác biệt trong tuyên bố của Malaysia và các bên liên quan, bao gồm cả chuyên gia từ hãng sản xuất máy bay Boeing, làm bùng phát tranh cãi giữa các quan chức Malaysia và Pháp, NY Times dẫn lời một nguồn am hiểu cuộc điều tra cho biết.
Uy tín chính trị của Thủ tướng Najib hiện giảm sút nghiêm trọng sau một bê bối tham nhũng mà ông là tâm điểm nghi vấn. Tờ Wall Street Journal và trang tin Sarawak Report, có trụ sở ở Anh, mới đây đưa tin các nhà điều tra Malaysia phát hiện ra một số tiền lớn, trị giá tới 700 triệu USD, đã được chuyển vào một tài khoản được cho là do ông Najib làm chủ.
Cuối tháng trước, ông Najib còn cách chức phó thủ tướng, người công khai lên tiếng yêu cầu ông giải trình vấn đề trên, cùng bộ trưởng tư pháp, người trực tiếp chỉ đạo cuộc điều tra liên quan đến vụ bê bối chấn động Malaysia này.
Chuyên gia nhận định Thủ tướng Najib vội vã đưa ra kết luận liên quan đến số phận chuyến bay MH370 nhằm mục đích giảm nhẹ những áp lực mà ông phải chịu từ dư luận đồng thời giải quyết gọn vấn đề đã khiến chính quyền của ông phải nhận vô số lời chỉ trích suốt hơn một năm qua.
Chưa thể kết thúc
Từ sau khi chiếc Boeing 777 mất tích, hàng loạt quốc gia như Trung Quốc, Australia hay Malaysia... đã nỗ lực phối hợp tìm kiếm ròng rã trong nhiều tháng nhưng không đạt được bất kỳ kết quả khả quan nào. Việc tìm thấy mảnh vỡ trên đảo Reunion là bước đột phá quan trọng đầu tiên trong quá trình giải mã bí ẩn lớn nhất ngành hàng không thế giới này.
Tuy nhiên, đối với những người có thân nhân trên chuyến bay MH370, thông tin về mảnh vỡ trôi dạt tới đảo Reunion chỉ khiến khát khao muốn làm rõ sự việc càng trở nên mãnh liệt hơn. Vì sao chiếc máy bay lại rời khỏi hành trình và bằng cách nào mà phần cánh phụ của nó có thể lưu lạc tới vùng biển cách đó hàng nghìn km mà không ai hay biết là những câu hỏi mà tất cả đều mong nhận được lời giải đáp.
Hai phần ba người có mặt trên máy bay MH370 là công dân Trung Quốc. Thân nhân của họ tiếp nhận thông tin ông Najib đưa ra với thái độ đầy hoài nghi. Khoảng 20 người nhà của các hành khách và nhân viên tổ bay hôm qua tập trung trước văn phòng MAS ở Bắc Kinh, yêu cầu nói chuyện với đại diện của hãng hàng không và muốn bay tới đảo Reunion để xác nhận sự việc. Nhà chức trách phải huy động hàng chục cảnh sát nhằm ngăn những người này xông vào tòa nhà của MAS.
"Chúng tôi không chấp nhận. Mọi chuyện chưa thể kết thúc ở đây được", Dai Shuqing, một phụ nữ có 5 người thân trên chuyến bay, nói. "Malaysia muốn lừa tất cả mọi người trên thế giới, nhưng họ không thể lừa dối chúng tôi. Chúng tôi sẽ kiên trì đến cùng", bà quả quyết.
Một số người khác thì vây kín văn phòng MAS và giơ cao những câu khẩu hiệu như "Malaysia đang che giấu sự thật". Cuối ngày, đoàn biểu tình còn tiến thẳng tới văn phòng của Boeing bên trong thành phố.
Theo công ước hàng không quốc tế, Malaysia là nước dẫn dắt cuộc điều tra liên quan đến vụ mất tích vì chiếc phi cơ được đăng ký tại quốc gia này và cất cánh từ thủ đô Kuala Lumpur. Australia chỉ huy hoạt động rà soát trên biển bởi có bến cảng gần với khu vực tìm kiếm nhất. Phần cánh tìm thấy trên đảo Reunion hiện được phân tích tại phòng thì nghiệm ở Toulouse, bởi nó bị đánh dạt vào bờ hòn đảo thuộc nước Pháp.
Thủ tướng Australia Tony Abbott cho hay dù các quan chức Malaysia có vẻ nôn nóng muốn đi đến kết luận một cách nhanh chóng nhằm gác mọi chuyện lại phía sau nhưng những nỗ lực tìm kiếm trên biển sẽ tiếp tục được thực hiện.
Ông Jean-Paul Virapoulle, thị trưởng St.Andre, thành phố trên đảo Reunion, gần nơi phát hiện mảnh vỡ máy bay, hôm qua cho hay sẽ tổ chức một "đội tìm kiếm sâu" rà soát kỹ lưỡng tất cả các bãi biển vào tuần tới.
Theo một nguồn giấu tên am hiểu vấn đề, những người tình nguyện trên đảo Reunion đã giao nộp cho các quan chức hàng không Pháp một số vật thể mới nhưng kết quả đánh giá ban đầu cho thấy chúng đều không phải các bộ phận của máy bay. Dù vậy, ông David Griffin, nhà khoa học Australia, làm việc tại Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Comonwwealth, hôm qua khẳng định sẽ có thêm mảnh vỡ của MH370 trôi vào bờ biển Madagascar, quốc đảo lớn hơn ở phía tây đảo Reunion.
Theo ông Wen Wancheng, 63 tuổi, có con trai trên chuyến bay MH370, việc phát hiện một phần cánh không thể lý giải những bí ẩn xung quanh vụ mất tích. "Cái kết mà mọi gia đình đều mong muốn đó là biết được chính xác điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay và nhận lại thi thể của người thân", ông Wen nói qua điện thoại.
Rất nhiều người khác cũng chia sẻ quan điểm trên. "Cuối cùng thì chúng tôi vẫn cần phải biết tại sao nó lại xuất hiện ở vùng biển này? Điều gì đã xảy ra", Sara Weeks, người phụ nữ có em trai là hành khách trên MH370, trả lời phỏng vấn trên radio từ Christchurch, New Zealand. "Việc này thực sự quan trọng đối với tất cả mọi người bởi nếu chiếc phi cơ này có thể mất tích thì trường hợp tương tự hoàn toàn có khả năng xảy ra với những máy bay khác".
"Đó chỉ là mảnh cánh phụ, không phải chồng tôi", Jacquita Gonzales, vợ của Patrick Gomes, giám sát viên chuyến bay MH370, nói. "Mặc dù có thêm những phát hiện mới nhưng đây chưa thể là kết thúc", bà cho biết thêm. "Họ sẽ phải tìm cho ra phần thân máy bay cũng như người nhà của chúng tôi. Chúng tôi muốn họ trở về".
Vũ Hoàng (theo New York Times)