Vợ tôi từng là người săn hàng giảm giá có tiếng trong nhóm bạn. Cứ đến đợt sale, từ quần áo, giày dép cho tới đồ gia dụng, thứ gì cũng canh me. Cái cảm giác mua được món đồ giá hời khiến cô ấy thấy rất "đã".
Nhưng áo mới mua mặc vài lần đã phai màu, chảy nhão. Dép đứt quai chỉ sau vài tuần. Mấy món đồ điện tử thì xài được vài tháng là hỏng, đem đi sửa thì mất công, mà thay cái mới thì... lại rẻ, nên lại mua. Cứ thế, vòng lặp tiêu dùng rẻ tiền, hỏng nhanh, mua tiếp cứ kéo dài.
Mỗi khi tôi góp ý, cô ấy thường phản bác: "Mua đồ rẻ, lỡ hư thì không tiếc". Nhưng tiếc chứ. Tiếc thời gian chọn lựa, tiếc công đặt hàng, tiếc cả chỗ chứa trong nhà.
Là tín đồ của đồ sale online, vợ tôi mỗi tuần đều có gói hàng giao tới: túi xách, váy vóc, giày dép, món nào cũng dưới 500 nghìn đồng. Mỗi món nhìn qua hình thì long lanh, về tay thì vải mỏng, đường may lộn xộn, đôi giày chưa đi được hai tháng đã bong đế, cái túi chưa đeo được vài lần đã sờn quai.
Tôi ngồi tính sơ: trong 6 tháng đầu năm, vợ tôi tiêu gần 15 triệu cho hàng sale lặt vặt. Mà cuối cùng vẫn than: "Em chẳng có gì để mặc".
Chịu hết nổi, tôi quyết huấn luyện vợ mình theo hướng mua ít thôi, nhưng mua cái đáng mua. Ban đầu cô ấy phản đối, nhưng rồi khi so sánh một chiếc túi da thật tôi mua cách đây vài năm vẫn dùng tốt, còn túi giả da của cô ấy sờn góc, bong tróc chỉ sau vài tháng, thì cô ấy cũng gật gù.
Tôi không phải người mê đồ hiệu. Nhưng tôi tin vào chất lượng. Tôi nói với vợ: "Em thử mua ít thôi, nhưng chọn cái tốt, dùng được lâu, đeo lên người thấy tự tin, không phải thay liên tục".
Dần dần vợ tôi giờ cũng chẳng buồn lướt mấy trang sale nữa. Tiết kiệm không phải là cắt giảm mọi chi tiêu. Tiết kiệm là biết chọn cái đáng chi. Đồ hiệu, ở mức vừa phải không phải để thể hiện đẳng cấp mà để tiết kiệm tiền thay đồ liên tục, tiết kiệm thời gian chọn lựa lại từ đầu, tiết kiệm luôn cả nỗi bực khi món đồ hỏng sớm.
Chúng ta thường tiếc tiền cho một món đắt, nhưng lại dễ dàng chi nhiều lần cho những món rẻ. Về dài hạn, người tiêu dùng khôn ngoan là người dám đầu tư cho chất lượng.
Một xã hội với nhiều người tiêu dùng khắt khe cũng sẽ góp phần làm thị trường tốt lên. Khi người mua đòi hỏi cao, người bán buộc phải nâng chuẩn. Hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ bớt đất sống.
Minh Tuấn