- Sau 20 năm thi đấu boxing đỉnh cao, đâu là lý do anh quyết định treo găng vào thời điểm này?
- Tôi đã đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Sau tất cả, tôi thấy rằng nếu còn tiếp tục thi đấu, tôi phải xa gia đình. Các con tôi (sáu tuổi và tám tuổi) lúc này đã biết nhận thức về cuộc sống xung quanh. Tôi muốn trong tuổi thơ, trí nhớ của chúng có hình ảnh bố ở gần, chăm sóc và dạy dỗ.
Trước đây, mỗi lần đi xa, buổi tối tôi đều gọi điện về nhà, và các con sẽ hỏi "Ba ơi, khi nào ba về?". Những lần như thế, thâm tâm tôi lại dấy lên ý nghĩ dành thời gian cho gia đình.
Lúc này, khi đã đạt đến đỉnh cao nghề nghiệp, công việc kinh doanh phòng tập boxing TDH và bán cà phê cần được quán xuyến, tôi nghĩ là thời điểm phù hợp để giải nghệ, dành thời gian bù đắp cho vợ con nhiều hơn.
- Sau chặng đường dài gắn bó với võ thuật, từ wushu cho đến boxing chuyên nghiệp, điều gì khiến anh tiếc nuối nhất?
- Tôi tiếc vì sinh nhầm thời. Lúc này boxing Việt Nam có rất nhiều cơ hội phát triển. Các giải quốc tế, các sân chơi chuyên nghiệp cũng nhiều hơn. Nhưng tôi đã 34 tuổi, để phát triển và tiến xa phải đầu tư rất nhiều thời gian, trong khi mình muốn ở gần gia đình nhiều hơn.
Đôi lúc tôi ước mình trẻ hơn từ năm đến bảy tuổi, nhưng sở hữu tinh thần, tư duy cũng như cơ hội như hiện tại. Lúc đó, tôi có thể dốc hết sức để theo đuổi đam mê, đạt được ước mơ còn dang dở. Vẫn có những mục tiêu mà tôi chưa đạt được trong đời võ sĩ, nhưng tôi không còn thời gian nên đành chấp nhận.
- Vô địch boxing quốc gia hạng 75kg trong 12 năm liên tục, giành HC vàng SEA Games 2015, HC bạc SEA Games 2019 và HC đồng SEA Games 2009, 2011... đâu là trận đánh đáng nhớ nhất của anh?
- Đối với tôi, thành công hay thất bại, mỗi trận đấu đều đánh dấu một cột mốc nào đó trong sự nghiệp của tôi. Nhiều lúc thất bại, tôi lại nhận được nhiều hơn cả chiến thắng. Bởi nó cho tôi có nhiều bài học, nhận ra những thiếu sót để mình trưởng thành, mạnh mẽ hơn.
Vì vậy, trận đấu đáng nhớ nhất của tôi lại là một thất bại trước võ sĩ Mateo Tapia của Australia năm 2018. Lúc đó, ông trời như muốn thử thách tôi. Bố bị chẩn đoán ung thư dạ dày, trong khi vợ còn hai tháng nữa sinh con thứ hai. Kinh tế gia đình eo hẹp. Công việc kinh doanh phòng tập không được như mong muốn. Điều đó khiến tôi rơi vào cảm giác chênh vênh, không biết tương lai ra sao, có đủ tiền để lo cho bố chữa trị hay không, rồi còn con cái nữa.
Vì thế, tôi quyết định nhận lời mời tham dự trận đấu trị giá 400 triệu đồng. Nhưng kết quả không được mong muốn, tôi thua. Khi vừa bước xuống sàn đấu, bố đã bước đến ôm tôi an ủi. Cảm xúc lúc đó rất khó tả.
Những trận đấu như vậy mang đến cho tôi nhiều ấn tượng. Đó cũng là bước ngoặt cho tôi trở lại thi đấu thực sự, vì trước đó, từ giữa năm 2016 tôi đã xin nghỉ ĐTQG để chữa mắt. Khi quay trở lại, tôi tự nhận ra mình có đủ khả năng. Thế là sang năm 2019, tôi trở lại đội tuyển để dự SEA Games, đồng thời cũng thi đấu chuyên nghiệp rồi giành đai vô địch WBA châu Á và đai vô địch WBA Đông Á, hạng 76kg.
Nhìn lại thì trận thua Tapia năm đó là cột mốc lớn nhất sự nghiệp tôi.
- Đối diện trước những thử thách như thế, có lúc nào anh muốn bỏ cuộc không?
- Cũng có chứ, nhưng chỉ là suy nghĩ thoáng qua trong lúc bế tắc thôi. Chứ suốt chiều dài sự nghiệp của tôi, khi nào còn đấu được, còn đứng dậy được là tôi thi đấu chứ không hề bỏ cuộc.
Năm 2016 ở Bắc Kinh (Trung Quốc), tôi cùng đồng đội thi vòng loại Olympic. Sau hiệp một bình thường, tôi bị trúng đòn vào mắt ở hiệp hai, nên nhìn một người thành ba người. Lúc đó tôi lo lắng và hoảng sợ thực sự, nhưng vẫn cố gắng, tìm mọi cách để thi đấu hết trận rồi mới báo với HLV sau đó về đi chữa mắt.
Sau mỗi lần gục xuống, tôi thấy rằng cách tốt nhất để đứng lên là chăm chỉ tập luyện, luôn nỗ lực hết mình để chứng minh bản thân thật sự có năng lực chứ không chỉ là nói suông. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng thi đấu bằng 100% khả năng trong các trận đấu.
- Nhiều người nhận xét Trương Đình Hoàng có gương mặt lì lợm, có phần bặm trợn trên sàn đấu. Nhưng ngoài đời, anh là con người như thế nào?
- Tôi sẽ đóng nhiều vai khác nhau ở trên sàn đấu và ngoài cuộc sống xã hội. Khi lên sàn đấu tôi có thể toát lên những tính khí, ánh mắt của một võ sĩ để đối thủ e sợ. Nhưng ngược lại, khi về nhà, tôi không thể mang gương mặt hầm hố ấy trước các con, với vợ. Tôi cố gắng thể hiện phần tính cách khác của mình: nhẹ nhàng, cởi mở, tình cảm với vợ con. Đó cũng là cách để tôi bù đắp cho họ sau những thiệt thòi trước đây.
- Anh thường nhắc đến vợ một cách nhẹ nhàng, tình cảm. Người đó có ý nghĩa thế nào với anh?
- Vợ tôi là Đỗ Thị Thảo, từng giành HC vàng điền kinh SEA Games. Chúng tôi quen nhau năm 2011 khi còn ở Đà Nẵng. Sau khi kết hôn năm 2015, chúng tôi về sinh sống ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Khi đó, chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng, nên ngoài việc chuyên môn cũng mày mò thuê mặt bằng mở phòng tập, kinh doanh bán quán cà phê để mưu sinh.
Tôi còn nhớ phòng tập đầu tiên rất nhỏ. Chúng tôi xem đó là tổ ấm của mình, chỗ ở cũng chỉ có 10 mét vuông, để vừa một cái giường, cái tủ quần áo với bếp ăn. Hồi đó, phòng tập nhiều lúc vắng tanh, không có bóng học viên nào, buôn bán cũng ế ẩm. Tôi thường xuyên xa nhà để đi các tỉnh thành tập luyện và thi đấu. Một mình vợ tôi cáng đáng nhiều thứ. Khi đứa con thứ hai ra đời, tôi cũng không thể có mặt bên cạnh vợ để chia sẻ.
Dù cuộc sống trải qua nhiều sóng gió và thử thách, vợ luôn đồng hành cùng tôi trong mọi hoành cảnh. Cô ấy luôn ủng hộ, chăm lo cho con cái, gia đình, luôn là hậu phương vững chãi để tôi yên tâm thi đấu xa nhà. Một năm tôi có thể phải đi mấy tháng, gần cả năm trời và chỉ về nhà vài lần. Nhưng vợ vẫn chấp nhận ở nhà lo công việc, con cái, là người ở phía sau, hậu thuẫn để tôi yên tâm đi xa.
Đặc biệt, vợ tôi có đức tính hy sinh tất cả vì tôi. Cô ấy về chung một nhà với tôi khi mới 23 tuổi, sự nghiệp còn trên đỉnh cao. Đó là quyết định hy sinh lớn để cho tôi có được thời gian tập trung cho sự nghiệp. Cô ấy chấp nhận lùi về sau để hỗ trợ. Ngay cả bây giờ cũng vậy, dù việc kinh doanh, cơ sở vật chất đều mang hình ảnh của Trương Đình Hoàng, nhưng người đứng sau để quán xuyến chính là Đỗ Thị Thảo.
- Cuộc sống đã ổn định hơn, bây giờ mục tiêu của anh là gì?
- Đó là mở một học viện đào tạo boxing. Nơi đó sẽ nhận các em nhỏ mồ côi, không có điều kiện nhưng đam mê võ thuật để đào tạo thành VĐV chuyên nghiệp. Nhưng đó là ước mơ, vì điều kiện kinh tế chưa cho phép. Những gì tôi làm được lúc này là dành thời gian hoàn thiện các kỹ năng, giáo án để huấn luyện boxing.
- Anh đánh giá thế nào về boxing Việt Nam hiện nay?
- Có nhiều võ sĩ tốt, như Trần Văn Thảo chẳng hạn, cậu ấy vừa giành đai WBO thế giới. Tôi cũng luôn theo dõi các em, các bạn thi đấu và lúc nào cũng ủng hộ. Mong các bạn có điều kiện tập luyện và thi đấu tốt nhất, qua đó giúp phát triển boxing nước nhà tốt hơn, tạo phong trào để mọi người chơi boxing nhiều hơn.
Bản thân tôi cũng đang làm trợ lý cho đội tuyển boxing Đăk Lăk và mong muốn cải tiến, áp dụng những điều mới mẻ để phát triển boxing tỉnh nhà. Tất nhiên, sẽ mất nhiều thời gian, 5-10 năm nhưng võ thuật là phải kiên trì, chịu khó mới có thể gặt hái thành công.
Đức Đồng