(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Khu chung cư nơi tôi thường chạy bộ có mấy tòa nhà cao vút, mọc san sát nhau, nhưng ngay chính giữa lại là một khoảng đất trống rất rộng. Tôi từng rất ngưỡng mộ tay chủ đầu tư khu tòa nhà này, bởi thời buổi này thật hiếm có người dành nguyên cả khu đất rộng như thế chỉ để làm công viên, làm nơi cho người dân sinh sống xung quanh tập thể dục, sinh hoạt, vui chơi. Nghe những suy nghĩ này của tôi, vợ tôi chỉ cười khẩy: "Anh hâm à, để rồi xem".
Quả không sai, mới ngày hôm qua thôi, tôi đã thấy công nhân kéo đến động thổ, chuẩn bị xây một tòa chung cư nữa ở ngay chính cái khu "công viên" ấy.
Lý do Sài Gòn ngày càng thiếu công viên và quá tải nhà cao tầng chính là từ đây. Khi mà người ta vẫn tận dụng từng mét vuông đất để xây chung cư, xây nhà theo kiểu "điền vào chỗ trống" thì những mong ước của người dân về những không gian xanh như công viên sẽ chỉ ngày càng xa vời. Thay vào đó, những gì chúng ta nhận lại sẽ chỉ là quá tải, kẹt xe, ô nhiễm và nhiệt độ tăng dần.
Bình Tân đang là quận đông dân nhất TP HCM với 784.000 người. Các công viên vừa và nhỏ, rộng từ 1.000-10.000 m2 đều của doanh nghiệp xây phục vụ dự án nhà ở, chung cư. Tình trạng này cũng diễn ra tại các quận 9, 12, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn... bởi không có công viên công cộng diện tích lớn phục vụ người dân.
Theo Sở Xây dựng, diện tích công viên công cộng nằm trong quy hoạch của thành phố lên đến 11.400 ha với chỉ tiêu bình quân 7m2 mỗi người dân. Tuy nhiên, kết quả rà soát mới đây cho thấy diện tích công viên chỉ hơn 500 ha, tương ứng khoảng 0,55 m2 mỗi người, bằng 1/16 lần so với Singapore (8 m2 công viên, cây xanh cho mỗi người). Với tốc độ phát triển chỉ 1,54 ha diện tích công viên mỗi năm như hiện nay, thành phố sẽ mất nhiều thời gian để phủ xanh hàng nghìn ha đất quy hoạch công viên còn lại.
>> Vì sao TP HCM muốn xây 'thành phố trong thành phố?'
Một trong nhưng vấn đề khó nhất hiện nay chính là giá đất được đẩy lên quá cao, quá khó để làm thêm công viên. Giải pháp cho vấn đề này chỉ có thể là kiềm chế giá đất, chống đầu cơ đẩy giá. Ngừng đầu tư hạ tầng và cấp phép xây dựng trong thành phố 20 năm, xây dựng và quy hoạch các khu công nghệ cách thành phố 50 km, hoàn thiện các tuyến xe để thuận tiện kết nối liên tục, đưa ra lộ trình để khuyến khích và buộc các văn phòng làm việc chuyển dịch vào những khu công nghệ, chỉ để lại showroom và phòng giao dịch được phép hoạt động trong thành phố... Cứ có lộ trình và công khai như vậy thì giá đất thành phố sẽ tự động giảm nhiệt.
Đôi khi tôi tự hỏi sống ở thành phố lớn mà không có chỗ thở thì liệu có đáng để sống không? Thế hệ con cháu chúng ta sau này sẽ thế nào nếu đời cha ông chúng ngày nay cứ huỷ hoại cây xanh, xây nhà thật cao, làm đường thật đẹp , ôtô tiện nghi chạy đầy đường...? Lúc này chưa phải quá muộn để thay đổi và điều chỉnh quy hoạch, nhưng cũng không còn sớm để kịp "giải cứu màu xanh của thành phố".
Trở lại chuyện trên, vợ tôi quả thật tinh tường, nàng cắt nghĩa: "Nếu họ đã định dành chỗ này làm công viên, thì họ trồng cây xanh cho anh từ lâu rồi. Thành phố không bắt buộc, nên họ cứ xây nhà thôi".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Thành Minh