Theo St Headline, ngày 15/3, bà cùng nhiều văn nghệ sĩ tham quan Bảo tàng Văn hóa Hong Kong - nơi tổ chức lễ khai mạc triển lãm tượng 40 nhân vật trong thế giới võ hiệp Kim Dung. Hoạt động nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh tiểu thuyết gia (10/3/1924).
Phương Viên Minh, người phụ trách tổ chức triển lãm, cho biết khi làm việc với gia đình Kim Dung về vấn đề bản quyền, bà Lâm Nhạc Di đặt hai điều kiện, một là triển lãm bắt đầu từ ngày 6/2 âm lịch - ngày sinh theo lịch âm của Kim Dung. Vì trước đây, ông chỉ tổ chức sinh nhật vào dịp này chứ không phải ngày 10/3 dương lịch. Yêu cầu thứ hai là triển lãm được tổ chức đầu tiên ở Hong Kong - nơi gắn bó nhiều nhất với sự nghiệp của ông. Sau đó, ban tổ chức mới mang triển lãm tới các nơi khác.
Nhiều khán giả nhận xét ở tuổi 71, bà Lâm Nhạc Di toát vẻ thanh lịch qua cử chỉ, cách phối trang phục. Lâm Nhạc Di là đời vợ thứ ba của Kim Dung, vốn là fan của nhà văn. Sau khi kết hôn, Kim Dung đưa Lâm Nhạc Di sang học ở Australia. Trở về, bà trở thành trợ lý đắc lực của chồng, luôn cùng ông trong các chuyến công tác. Lâm Nhạc Di và Kim Dung không có con chung, nhà văn có bốn người con với vợ thứ hai - Chu Mai.
Lễ khai mạc triển lãm có sự tham gia của nhiều diễn viên kỳ cựu Hong Kong, như La Lạc Lâm, Lưu Đan, Mễ Tuyết, Lữ Tụng Hiền. Họ đều từng đóng các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung.
Lữ Tụng Hiền - diễn viên nổi tiếng với vai Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ - nói đóng nhân vật này là vinh dự với anh. Tài tử cũng đã nỗ lực hết sức thể hiện nhân vật, không phụ kỳ vọng của khán giả.
* Dàn sao phim võ hiệp dự triển lãm
Buổi lễ còn có sự góp mặt của các chính trị gia Hong Kong, Singapore. Trịnh Chí Cương - chủ tịch Ủy ban các vấn đề Văn hóa Nghệ thuật Hong Kong - nói Kim Dung là huyền thoại, tạo nên ký ức cho cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới. 15 tiểu thuyết võ hiệp của ông trở thành bảo vật văn hóa vì tính độc đáo, giá trị lịch sử, nghệ thuật.
Ông Dương Vinh Văn, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Singapore gọi Kim Dung là "tiểu thuyết gia vĩ đại" trong lịch sử Trung Quốc. Theo ông, thời Minh có các tên tuổi La Quán Trung (tác giả Tam Quốc diễn nghĩa), Thi Nại Am (tác giả truyện Thủy Hử), Ngô Thừa Ân (tác giả Tây du ký), Kim Dung cũng mang tầm vóc lớn. Ông Dương Vinh Văn cho rằng tiểu thuyết của tác gia có ích không chỉ với thanh thiếu niên mà còn với các nhà tư tưởng, nhà triết học.
Nghinh Xuân (theo St Headline)