Người vợ đầu tiên - Tình yêu thời tuổi trẻ
Vợ đầu tiên của Kim Dung là Đỗ Dã Phân - cô gái con nhà dòng dõi. Theo trang Cri, thời trẻ, Đỗ Dã Phân nổi tiếng xinh đẹp, thường được người ngoài gọi là "Đỗ tứ nương". Hai người quen nhau qua một sự việc khá thú vị.
Năm 1947, Kim Dung làm việc cho chuyên trang Góc hài hước ở một tòa soạn. Sau một lần đăng câu hỏi lên trang, ông nhận được thư của chàng trai Đỗ Dã Thu. Thấy vị độc giả này hài hước, thú vị, Kim Dung ngỏ ý được gặp anh ngoài đời. Dã Thu đồng ý.
Tới nhà Đỗ Dã Thu, Kim Dung gặp Đỗ Dã Phân (chị gái của Dã Thu) và nhanh chóng bị hấp dẫn bởi sự thông minh, hài hước của tiểu thư nhà họ Đỗ. Hôm sau, Kim Dung mua vé mời cả nhà họ Đỗ đi xem kịch. Từ đó, ông trở thành khách quen của gia đình, mối tình của ông và Đỗ Dã Phân cũng được ủng hộ. Năm 1948, họ tổ chức đám cưới ở Thượng Hải.
Kết hôn không bao lâu, Kim Dung tới Hong Kong phát triển sự nghiệp, Dã Phân theo chồng. Lần đầu tiên tới thành phố xa lạ, Dã Phân cảm thấy khó thích nghi. Mặt khác, Kim Dung ít thời gian bên vợ vì quá bận rộn, tình cảm vợ chồng dần xa cách, dẫn đến ly hôn.
Xung quanh sự chia tay của Kim Dung - Đỗ Dã Phân còn có tin đồn Dã Phân tìm được chỗ dựa tinh thần khác. Nhà văn giữ im lặng về điều này. Năm 74 tuổi, ông nói trong một lần phỏng vấn: "Bây giờ nói ra cũng không là gì nữa rồi, người vợ đầu tiên phản bội tôi".
Người vợ thứ hai - Đồng cam cộng khổ
Vợ thứ hai của Kim Dung là Chu Mai - sinh ra ở Hong Kong năm 1933. Chu Mai tốt nghiệp Đại học Hong Kong, là một phóng viên tài năng, giàu nhiệt huyết với nghề. Bà và Kim Dung nên duyên vợ chồng năm 1956.
Vì có kinh nghiệm trong nghề báo, Chu Mai là cánh tay đắc lực giúp đỡ Kim Dung gây dựng sự nghiệp. Năm 1959, Kim Dung thành lập tờ Ming Pao, Chu Mai viết nhiều bài đăng trên báo này. Những năm đầu mới phát hành, áp lực công việc của hai vợ chồng rất lớn. Con trai đầu lòng ra đời, gánh nặng kinh tế càng lớn hơn. Hàng đêm, hai vợ chồng thức khuya làm việc, mua một cốc cà phê uống chung để tiết kiệm tiền. Tờ Ming Pao trở nên nổi tiếng Hong Kong chính là nhờ mồ hôi nước mắt của cặp vợ chồng. Tới năm 1966, đây đã trở thành báo lớn, có tầm ảnh hưởng của Hong Kong.
Khi Ming Pao đã đạt được vị trí trong làng truyền thông, Chu Mai tiếp tục theo đuổi đam mê. Bà sáng lập thêm hai tờ báo, dồn tâm huyết cho công việc. Tuy nhiên, hai vợ chồng xuất hiện nhiều mâu thuẫn, dẫn tới rạn nứt hôn nhân.
Cặp vợ chồng có tất cả bốn người con, hai trai, hai gái. Khi ly hôn, Chu Mai đặt ra hai điều kiện. Một là Kim Dung bồi thường vật chất cho bà, hai là nếu lấy vợ nữa, Kim Dung không được có thêm con. Nhà văn đồng ý cả hai điều kiện.
Chia tay Kim Dung, Chu Mai không đi thêm bước nữa. Bà qua đời vào mùa đông năm 1998.
Người vợ thứ ba - Tình yêu vong niên
Một lần, với tâm trạng buồn rầu, Kim Dung vào quán rượu. Tiếp đón nhà văn là Lâm Nhạc Di - cô gái kém ông 29 tuổi. Nhạc Di thích tiểu thuyết của Kim Dung, thể hiện sự ái mộ với ông. Nhà văn cũng có thiện cảm với cô gái cao ráo, xinh xắn. Lúc đó quán vắng khách, hai người có cơ hội trò chuyện với nhau.
Khi thanh toán, Kim Dung boa cho Nhạc Di số tiền bằng nửa tháng lương làm thêm của cô. Nhạc Di từ chối, nói: "Bác viết truyện kiếm tiền cũng không dễ dàng gì. Cháu thích sách của bác, có cơ hội gặp bác cháu rất vui rồi".
Từ lần đó, Kim Dung thường xuyên tới quán, ông và Lâm Nhạc Di ngày càng thân thiết. Kim Dung giãi bày với Lâm Nhạc Di nhiều câu chuyện trong cuộc đời, Nhạc Di đáp lại bằng sự từ tốn, dịu dàng. Hai người trò chuyện tâm đầu ý hợp.
Đó cũng là lý do nhà văn quyết định ly dị Chu Mai để đến với Lâm Nhạc Di. Sau khi kết hôn, ông đưa Nhạc Di sang học ở Australia. Trở về, cô trở thành trợ lý đắc lực của chồng.
Hạ Mộng - mãi mãi là giấc mộng
Hạ Mộng (sinh năm 1932) là diễn viên hàng đầu Hong Kong thập niên 1950-60. Nhiều bài báo cho rằng, khi còn trẻ Kim Dung từng từ bỏ công việc ở một tòa soạn báo để chuyển sang làm biên kịch phim, nhằm tiếp cận người đẹp. Để gây chú ý hơn, ông lấn sân làm đạo diễn, mời Hạ Mộng đóng chính trong phim của mình.
Tuy nhiên, Hạ Mộng luôn giữ khoảng cách với Kim Dung, cô mãi chỉ là "người trong mộng" của nhà văn.
Năm 1967, Hạ Mộng từ bỏ đóng phim, sang Canada sinh sống. Thông tin Hạ Mộng giải nghệ sang Canada hai ngày liền lên trang nhất tờ Ming Pao. Kim Dung thậm chí viết bài xã luận đầy chất thơ, mang tên Giấc mộng xuân của Hạ Mộng. Trong bài, nhà văn nhắc lại thời vinh quang của nữ diễn viên, chúc cô có cuộc sống như ý sau khi rời Hong Kong.
Phần xã luận của tờ Ming Pao thường được dành cho những sự kiện xã hội lớn, các vấn đề thời sự quốc tế... Dành bài viết chia tay một ngôi sao nữ là lần phá lệ duy nhất của tờ báo này.
Kim Dung từng ca ngợi nhan sắc Hạ Mộng: "Chưa ai nhìn thấy Tây Thi đẹp như thế nào. Tôi nghĩ, Tây Thi đẹp như Hạ Mộng thì mới đúng là danh bất hư truyền".
Hạ Mộng nay đã ngoài 80 tuổi, tham gia sự kiện cuối năm 2014, bà trả lời khi được hỏi về nhà văn nổi tiếng: "Chuyện giữa tôi và Kim Dung, chi bằng đừng nhắc lại".
Hải Lan