Theo quy định tại Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 đến ngày 31/12/2016) thì vợ chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung (Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 không còn quy định hình thức di chúc chung vợ chồng).
Theo Điều 664 Bộ luật Dân sự năm 2005 nói trên về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ, chồng thì vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào; Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Như vậy, với quy định nói trên thì vì ông nội bạn đã mất nên bà nội của bạn chỉ có quyền sửa đổi, bổ sung di chúc đối với phần liên quan đến tài sản của bà nội bạn trong khối tài sản chung. Phần di sản của ông nội bạn để lại vẫn được thực hiện theo di chúc (trừ trường hợp phần di chúc của ông nội bạn được xác định không hợp pháp)
Về hiệu lực của di chúc thì di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết. Điều này có nghĩa di sản của ông bạn để lại chỉ được chia thừa kế theo di chúc (chia cho bạn) sau khi bà nội bạn qua đời.
Từ nay cho đến khi đó thì ai đang quản lý, sử dụng phần di sản của ông bạn thì người đó được tiếp tục quản lý, sử dụng, trừ trường hợp những người thừa kế có thỏa thuận khác.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội