- Tôi phải trốn vào nhà tắm khi góp ý chuyện mẹ chồng về ở chung
Ngồi đọc bài viết "Tôi phải trốn vào nhà tắm khi góp ý chuyện mẹ chồng về ở chung" của vợ mà tôi thấy thật sự buồn cười, vì không muốn ảnh hưởng tâm trạng tồi tệ rồi ảnh hưởng đến công việc với một người luôn có cái nhìn nhận tiêu cực đó. Tôi rất muốn ly hôn cô vợ này, một người luôn chỉ biết đòi hỏi người khác và đặt điều cho mẹ chồng với những ngôn từ như vậy.
Thứ nhất, xét về kinh tế: khi hai vợ chồng cưới nhau chưa có gì, sau vài năm tôi kiếm được tiền tỷ, xây nhà, mua xe và mua thêm bất động sản. Hiện tại tôi làm doanh nghiệp, mới khởi nghiệp một năm nhưng mỗi tháng đưa vợ 20 triệu đồng (lương vợ 15 triệu đồng) để chi tiêu sinh hoạt. Ngoài ra các khoản mua sắm lớn, tôi bỏ tiền. Chúng tôi ở nông thôn nên tôi nghĩ một tháng 35 triệu đồng là đủ để chi trả cuộc sống hàng ngày.
Thứ hai, vấn đề mẹ chồng nàng dâu: trước giờ mẹ tôi chưa nặng lời hay đòi hỏi vợ tôi cái gì, không hiểu sao cô ấy lại bới móc mẹ như vậy. Mẹ tôi chưa từng nói nặng lời với cô ấy, bảo vệ con dâu khi tôi đi tiếp khách về muộn. Ngay cả khi ốm đau, mẹ cũng chưa bao giờ nhờ cô ấy chăm sóc mà tôi tự làm. Đó hoàn toàn là sự thật.
Thứ ba, vấn đề của tôi - một người chồng, một người bố: thực tình tôivừa khởi nghiệp được một năm, công việc khá bận. Do làm kinh doanh không tránh khỏi việc tiếp khách, còn những ngày không đi tiếp khách, tôi về nhà vẫn vào bếp nấu ăn cho gia đình, dẫn các con đi dạo. Mâu thuẫn lớn nhất là phương pháp dạy con của hai vợ chồng. Tôi dạy con là ngồi nói chuyện với con, hỏi những câu hỏi rồi nghe con trả lời, sau đó thống nhất đáp án với con rồi mới bảo con làm bài tập vào vở. Còn phương pháp của vợ là bắt con tự làm rồi mới kiểm tra. Vì vậy vợ không muốn tôi dạy con nên về sau tôi không muốn can thiệp nữa, vì can thiệp lại bất đồng quan điểm.
Mâu thuẫn giữa vợ chồng: quan điểm của tôi là thích không khí nhẹ nhàng trong gia đình để tái tạo năng lượng sau ngày làm việc, chứ không muốn về nhà lại căng thẳng vì những chuyện nhỏ. Tôi rất sợ lúc vợ nói đi nói lại một vấn đề quá nhiều lần. Khi không muốn nghe nữa, tôi đề nghị vợ yên lặng nhưng kết quả là vẫn đứng trước mặt tôi chì chiết và thách thức, điều dễ khiến mất kiểm soát và bạo lực xảy ra giữa hai vợ chồng.
Xét việc giữa ba người: mẹ chồng - nàng dâu - chồng: thực sự nói thì tội mẹ tôi quá, chưa yêu cầu vợ tôi việc gì, giờ lôi bà lên đây để thiên hạ biết. Mẹ sống một mình, cách nhà tôi khoảng 20 m. Tôi vẫn nói với vợ rằng: Mẹ có thể không chăm cháu giỏi, nhưng dù sao ta là con, không nên đặt nặng vấn đề đó, vì nhà mình có bà giúp việc rồi, miễn sao cứ hòa thuận để các con noi theo. Còn mẹ gần 80 tuổi rồi, làm được gì thì làm chứ đừng so sánh bà với người này người khác. Điều đó không giúp được gì còn làm ảnh hưởng tâm lý trong gia đình, rộng lượng một chút cũng không mất gì của ai.
Xét về đối ngoại: tôi khẳng định chưa tiếc gì với nhà vợ. Anh em vợ xây nhà, tôi chủ động bảo cô ấy hỏi xem có cần vay tiền không. Bố vợ ốm nặng, tôi hiểu cảm giác những người có tuổi không muốn khiến gánh nặng kinh tế đè lên các con nên hủ động họp gia đình, nói rõ nguyện vọng về chi phí điều trị để các con dâu rể lo, miễn sao bố vợ thấy yên tâm và gia đình vui vẻ là được. Vì trong tâm của tôi, xem bố vợ như bố ruột của mình. Còn nếu nói tôi vì sao không gọi điện hỏi thăm mẹ vợ, tôi không làm được vì công việc quá nhiều và tôi không thích kiểu xã giao như thế.
Có quý độc giả ở đây, tôi gửi vợ đôi điều: đừng dành cả thanh xuân đi sân si với một người già gần 80 tuổi, trong khi bà chưa lấy gì của cô. Sống phải có sự bao dung, rộng lượng, ít nhất là đối với bố mẹ hai bên, đừng nặng lời với họ. Điều đó đã cướp đi nhiều tình cảm gia đình. Còn với tôi, khi mẹ già yếu, tôi sẽ chăm sóc nhưng vui lòng đừng "xù" lên vì biết đâu sau này con dâu của mình sẽ đối xử với mình khi về già như thế. Còn vấn đề ly hôn, vui lòng đừng mang con ra bào chữa. Tôi rất muốn vợ viết đơn - điều tôi đã khuyến khích nhiều lần.
Thái Dương