Đọc bài "Tôi đã phá sản vì hoang phí cho đám cưới", tôi chợt thấy mình may mắn. Không phải bởi tôi không "vung tay" mà bởi vì tôi đã có một người vợ ngăn không cho đôi tay của tôi được vung ra.
Tôi là con trai cả, bố mẹ là cán bộ, gia đình cũng lên kế hoạch cho một đám cưới hoành tráng và đủ đầy với tâm lý "chỉ có hơn chứ không có kém". Thế nhưng, khi tôi đem bàn với vợ tương lai thì cô ấy phân tích cho tôi mọi thứ thiệt hơn.
Đầu tiên là khoản nhẫn cưới. Ban đầu, tôi định đặt cặp nhẫn hơn 10 triệu. Cô ấy nói rằng: "Nhẫn cưới là để kỷ niệm, nó là sự kết nối vợ chồng chứ không phải là đồ tiết kiệm. Đến lúc thiếu tiền cũng không mang bán được nên không cần sắm đồ đắt". Tôi nghe hợp lý nên sau đó mua cặp nhẫn vàng tây chỉ 1,5 triệu đồng cho 2 cái.
Tiếp đến là chụp ảnh. Dự đám cưới của bạn bè, đến nhà nào cũng thấy album ảnh rất to, cô dâu nào cũng có vẻ tự hào khi bạn bè xuýt xoa trước những tấm ảnh đẹp, tôi cũng muốn vợ mình có cảm giác hạnh phúc như thế. Tôi đã tham khảo nhiều địa điểm, dự định thuê thợ và lên Lai Châu chụp ảnh ở đồng hoa cải. Thế nhưng, ý tưởng này lại bị cô ấy bẻ cong hợp lý một cách hài hước: "Cái đó sau này chỉ vứt xó nhà thôi. Bạn em cưới xong chả bao giờ xem lại" và "Khi vợ chồng cãi nhau dễ vớ bừa cuốn album vừa to vừa nặng làm vũ khí lắm. Em không muốn nó trở thành... hung khí đâu". Thế là chúng không chụp album nữa, chỉ chụp một tấm ảnh lớn, phóng ra làm 2 cái, treo ở hai bên gia đình. Cả chụp ảnh và trang điểm chỉ diễn ra trong vòng một tiếng đồng hồ.
Trước khi ăn hỏi, tất nhiên là có cuộc gặp của 2 bên bàn bạc về sính lễ. Đến lúc này thì tôi nhận ra tính tiết kiệm, biết suy tính trước sau của vợ thừa hưởng từ ai. Nhắc đến, tôi cũng cần biết ơn bố vợ vô cùng.
Gia đình tôi tham khảo các đám cưới khác, xác định chi vài chục triệu cho sính lễ và thách cưới. Thế nhưng tất cả đều bất ngờ trước ý kiến của bố vợ: Sính lễ thì cứ theo lệ, đầy đủ bánh kẹo trầu cau như mọi nhà, nhưng không cần nhiều quá, lịch sự là được.
Về phần thách cưới, bố vợ nêu ý kiến: "Bây giờ không ai thách cưới cả, con gái tôi cũng bình thường, con trai ông bà cũng bình thường, chúng nó yêu thương nhau thì chúng ta xây dựng hạnh phúc cho chúng nó, chứ không ai thách ai cưới được ai". Cái lệ, cái phong tục dân gian không nên bỏ, vì thế các cụ vẫn thống nhất ngoài lễ có để thêm 5 triệu tiền mặt. Tôi được biết về sau bố vợ bị nhiều người trong họ hàng trách cứ là "con gái nuôi hai chục năm mà lấy có 5 triệu" nhưng ông đáp lại rằng "Tôi xây dựng hạnh phúc cho con chứ không bán con, nên 5 triệu hay 50 triệu không quan trọng".
Khoản trao vàng trong lễ cưới như nhiều đám khác cũng bị ông gạt đi với lý do: "Bố mẹ cho con, không cần khoe ra cho thiên hạ thấy." Thế là thủ tục này cũng không có trong đám cưới của tôi.
Ngoài ra là khoản trang trí phòng cưới. Bạn bè tôi khi cưới vợ đều mua sắm nào giường, chăn đệm, tủ mới... cũng tốn kha khá. Tôi gọi điện rủ cô ấy đi mua đồ thì cô ấy bảo "Em thấy phòng của anh có thiếu gì nữa đâu mà đi mua? Giường tốt, đệm có rồi. Cái tủ của anh to đủ dùng cho cả 2 rồi nên không cần thay". Thế là cô ấy chỉ cùng tôi đi chọn một tấm ga mới theo màu cô ấy thích. Còn lại, chúng tôi không mua sắm gì thêm.
Ngay cả cái ý định đi Nha Trang nghỉ trăng mật một tuần của tôi cũng bị thay đổi bằng việc lên Tam Đảo 2 ngày cho tiết kiệm. Hoa cầm tay trong lễ cưới thì cô ấy tự bó một bó hồng phấn đơn giản theo ý muốn.
Đám cưới của tôi không quá hoành tráng, rình rang nhưng vẫn lịch sự và đầy đủ thủ tục cơ bản. Hai bên gia đình đều thoải mái vui vẻ. Quan trọng là sau đám cưới, chúng tôi tiết kiệm được một khoản kha khá để dành cho sau này.
Khi tôi viết tâm sự này thì chúng tôi đã cưới được 5 năm. Năm năm ấy, có thời điểm tôi thất nghiệp nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ lâm vào cảnh cãi nhau vì tiền bởi sự thu vén khéo léo của cô ấy. Chúng tôi cũng đưa mọi vấn đề về hướng đơn giản nhất nên cơ bản khá hòa hợp, chưa lần nào cãi nhau quá lớn.
Minh Hùng
Gửi câu hỏi thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệm chi tiêu của bạn tại đây hoặc về giadinh@vnexpress.net.