Sau sinh nhật 29 tuổi của chồng vài ngày, chị Hoa, vợ anh Huy mới đăng vài ảnh gia đình liên hoan hôm đó lên Facebook cá nhân. Ngay lập tức đồng nghiệp cơ quan Huy nhảy vào hỏi han sao không nói cho ai biết. Chị thủ quỹ của phòng bình luận: "Sinh nhật mà không báo cơ quan, mất bữa liên hoan, mất luôn cả 200 nghìn nhé". Anh Huy nói không thích ồn ào nhưng thực ra 3 năm rồi anh đều ẩn đi ngày sinh nhật để "lách luật" cơ quan.
"Cơ quan tôi có truyền thống cứ sinh nhật là phải đi ăn. Người có sinh nhật bỏ tiền một nửa, đồng nghiệp tham gia góp một nửa. Phòng tôi có 20 người, trung bình một tháng gần hai cái sinh nhật. Tháng nào cũng mất vài trăm nghìn vào đó", anh cho hay.
Ngoài khoản sinh nhật tháng nào cũng phải chi, anh Huy còn có thêm nhiều khoản khác như đám cưới, đám ma, sinh nhật con đồng nghiệp, tân gia, thăm người ốm... Trong khi mỗi tháng anh thu nhập 7 triệu đồng, tháng ít nhất chi cho khoản đám xá khoảng 500 nghìn, có tháng cao điểm anh chi tới 5 triệu đồng.
Người đàn ông - có con nhỏ chưa đầy tuổi và còn phải thuê giúp việc - liệt kê, trong tháng 10, ngoài các đám xá nhẹ nhàng thì có một đám nặng là mẹ vợ anh sếp ốm phải đi viện hai lần, rồi sau đó bà mất, tổng cộng ba lần đi thăm viếng mất 1,3 triệu đồng. Sang tháng 11 có một đám nặng là một anh cùng phòng lên nhà mới, mỗi người góp 1,2 triệu mua tivi làm quà. Tháng 12 này, ngoài các khoản ở cơ quan, anh Huy còn phải chi thêm cho một đám cưới, một đám ma ở quê và một triệu đồng đi thăm người nhà ốm...
"Lương công chức thì thấp, không có thêm khoản thu nào mà tiền đám xá thì nhiều. Tôi chán chẳng muốn đi nữa nhưng lại không thể không đi. Nhiều đồng nghiệp cũng trong tình cảnh giống tôi, mỗi khi có người phát động liên hoan, thăm hỏi, mặt ai cũng buồn nhưng rồi cuối cùng cũng đi", anh giãi bày.
Cũng theo anh Huy, đôi lúc vợ anh cũng buồn khi không được chồng đưa cho đồng tiền nào nuôi con nhỏ và thuê giúp việc, nhưng biết đó là những khoản không thể không mất nên chỉ còn biết thở dài, thắt lưng buộc bụng chỗ khác. "Tôi cũng tự biết mình tiêu nhiều nên không dám tiêu gì thêm ngoài tiền đổ xăng, thỉnh thoảng đi trà đá với bạn. Vài tháng nay tôi bỏ luôn khoản ăn sáng, chấp nhận ngủ dậy sớm, ăn cơm nhà cho lành", anh cho biết thêm.
Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Vân (công tác ở một trường đại học quận Thanh Xuân) nhẵn túi cả một tuần nay. Chị Vân cho hay, trước đó mức lương của chị gần 6 triệu đồng vẫn đủ đi chợ cho gia đình 3 người, thỉnh thoảng đám xá. Tuy nhiên, hai tháng nay đám cưới dày đặc, lại thêm có nhiều người bạn, học viên bảo vệ luận văn, luận án mà chị phải tiêu âm cả vào tiền tiết kiệm.
"Cuối năm cưới xin nhiều đã đành, nhưng chẳng hiếu sao đám hiếu cũng nhiều thế. Trong tháng này tôi đã đi 4 đám hiếu rồi. Người ốm cũng nhiều nữa, bố trí lịch đi thăm hỏi còn không xuể ấy", chị Vân chia sẻ.
Tháng 11, chị đi 3 đám cưới, 2 đám ma, 2 đi thăm người ốm và thêm 3 bữa đi liên hoan bảo vệ luận văn, tổng cộng mất gần 3 triệu cho khoản hiếu hỉ. Đến tháng này, chị cũng mất khoảng 2 triệu đồng. "Cả tuần này không dám ăn tiêu gì. May là tháng này ngoài lương, còn có thêm một triệu thưởng Tết dương lịch bù lại phần nào", chị Vân nói.
Anh Chương, người có mức lương 8,5 triệu đồng, cũng lâm vào cảnh khốn đốn dịp cuối năm. Tháng trước anh phải xin ứng lương. Đến tháng này đã cố gắng không ứng nhưng cuối cùng phát sinh thêm 3 đám buộc anh phải vay chị đồng nghiệp một triệu đồng.
"Đang hí hửng là tháng này không phải vay nợ gì thì đùng cái ông đồng nghiệp ngã xe, một đám cưới và đi thăm một chị ở cơ quan đẻ. Gói gọn 3 khoản ấy cũng đi đứt một triệu đồng. Ngày hôm qua tôi phải chạy sô đi 3 đám ấy", anh Chương cho hay.
Người đàn ông 33 tuổi, làm văn phòng ở một cơ quan nhà nước cho hay, tháng này và tháng sau dự kiến là hai tháng cao điểm mà anh phải chi nhiều cho liên hoan, đám xá nhất. Do tiêu nhiều, anh không dám nói với vợ và thường lấy tiền thưởng Tết để bù vào.
Chuyên gia tài chính Thanh Hằng cho rằng vấn đề của các nhân vật trong bài là chưa biết cách hoạch định tài chính cá nhân, dẫn đến việc có bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu. Vì không có một khoản dự phòng nên khi có vấn đề phát sinh ngoài ý muốn là bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Mỗi người cần xem lại mức lương của mình, từ đó đưa ra cách quản lý tài chính cá nhân cho phù hợp. Chị Hằng dẫn ví dụ trường hợp anh Huy, thu nhập 7 triệu đồng cần phải để ra 10% cho tiết kiệm, 50-60% cho sinh hoạt (nhà cửa, ăn uống, đi lại), 10-15% cho học tập, tăng cường kiến thức và còn lại khoảng 15% cho các vấn đề giải trí, quan hệ đồng nghiệp.
"Trước mắt anh Huy cần phải xem lại cách anh ấy đang chi tiêu. Việc anh ấy chi 70-80% thu nhập cho mục đích giải trí, quan hệ đồng nghiệp thì số còn lại làm sao đủ trang trải cuộc sống? Về lâu dài sai lầm của anh có khi còn dẫn đến những lục đục không nhỏ trong gia đình", chuyên gia Thanh Hằng nói.
Theo vị này, anh Huy cần hoạch định lại tài chính cá nhân. Ở một mặt nào đó có thể xem chi tiêu cho các mối quan hệ bên ngoài cũng là một khoản đầu tư, mình đi người ta, người ta đi lại mình, tuy nhiên cần phải xem lại số mình bỏ ra với số mình thu về thế nào?
Chuyên gia Hằng gợi ý, để tránh bị lạm phát vào dịp cuối năm, mọi người cần cân đối lại các khoản chi tiêu, người nào thân thiết đi nhiều, không thân thiết đi ít. Cũng như phải hạn chế các khoản nhậu nhẹt theo mức độ thân thiết, quan trọng. Đồng thời có thể tìm cách tăng thêm thu nhập. "Ở nhiều nước trên thế giới, tài chính cá nhân được xem như một môn học bắt buộc trong nhà trường, tuy nhiên ở Việt Nam chưa nhiều người nghĩ là cần phải học cách quản lý tài chính cho mình", chị Hằng cho biết thêm.
Chuyên gia tâm lý Minh Hoa cho biết thêm, hiếu hỉ là một khoản chi tiêu không thể tránh với mỗi cá nhân, gia đình và bắt buộc trong tính toán chi tiêu của mỗi tháng cần phải có khoản này.
Cuối năm là thời điểm cưới xin, ma chay, tân gia cũng như liên hoan tất niên, tân niên nhiều. Bắt buộc bạn phải có một cách chi tiêu hợp lý. Chuyên gia Minh Hoa gợi ý, trong kế hoạch chi tiêu của mỗi gia đình, mỗi tháng cần phải có một khoản cho hiếu hỉ. Có tháng dùng đến, tháng không dùng đến và nó để thể dồn lại dự phòng cho những tháng cuối năm.
Ngoài ra, tùy vào thu nhập của mình mà có cách chi tiền hợp lý. "Mọi người không thể đi đám xá theo kiểu thấy người khác đi 500 nghìn đồng, mình cũng phải đi ngần ấy, trong khi tài chính của mình không cho phép. Các bạn cần phải xem lại, chi tiêu cho hiếu hỉ dựa theo tài chính của bạn, chứ không phải vì sĩ diện", nhà tâm lý nói. Và theo vị này, bạn vẫn có thể đi thăm người ốm chỉ với một cân cam, hộp sữa, tặng sinh nhật là một món quà nhỏ hay một lời chúc thân tình. Không nhất thiết lúc nào cũng phải bày vẽ.
Bảo Nhiên