Trở nên hấp dẫn hơn trong mắt đối phương
Về mặt thể chất, sau khi kết hôn, các cặp đôi ngày nào cũng đối mặt với nhau, thể xác đối phương trở nên quen thuộc, không còn bí ẩn, dần dần mất đi hứng thú khám phá. Sự xa cách tạo điều kiện cho việc làm mới cảm xúc, khiến cả hai trở nên mới mẻ hơn trong mắt người còn lại.
Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, tất cả các cặp vợ chồng đều nên có một không gian riêng (không gian vật lý, không gian tinh thần), bởi "sự quen thuộc tạo ra sự nhàm chán". Vợ chồng hoàn toàn không phải là một khối tổng thể, mà là hai người tồn tại trong một sự kết hợp. Vì thế, cho nhau không gian trong một mối quan hệ là điều cần thiết, để mỗi người có thể duy trì được bản sắc riêng của họ.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia từ Đại học Cornell và Đại học Hong Kong, những người thi thoảng sống xa bạn đời có xu hướng lý tưởng hóa đối tác của họ hơn nhiều so với những cặp thường xuyên chung sống. Lý do là khoảng cách khiến chúng ta nhung nhớ người mà chúng ta yêu đến mức chúng ta thường mơ mộng về họ. Nhờ thế, mối quan hệ cũng trở nên gắn bó hơn, bởi khi tái hợp, các cặp đôi này tập trung vào tận dụng từng giây phút họ có để yêu thương, thay vì mất thời gian tranh cãi.
Có khả năng xử lý mâu thuẫn một cách sáng suốt hơn
Mâu thuẫn nảy sinh khi hai người sống chung có thể là một "mồi lửa" thiêu rụi mối quan hệ. Đặc biệt, khi tức giận, con người có xu hướng nhìn vấn đề bằng cảm xúc, từ đó phóng đại những tiểu tiết, thậm chí thổi phồng vô giới hạn, dẫn đến sự tổn thương cho nửa còn lại.
Việc chạm trán nhau ở thời điểm xích mích càng càng gây nên những căng thẳng không đáng có. Sự xa cách ở giai đoạn này, do đó sẽ giúp hai người không bị kích động cảm xúc bởi nửa kia, từ đó có cơ hội nhìn nhận những xung đột và vấn đề của họ một cách bình tĩnh hơn. Từ đó, cả hai có thể tìm ra giải pháp tốt cho vấn đề.
Theo tờ Indiatimes, các cặp đôi xa cách dù không có nhiều thời gian trò chuyện như các cặp chung sống liên tục, nhưng các tương tác có xu hướng sâu sắc và trọng tâm hơn.
Hiểu rõ hơn về bản thân mình
Khoảng cách giúp cả hai phía có thời gian xem xét lại bản thân mà không bị tác động bởi bất cứ người nào khác. Bạn cũng sẽ không bị yếu tố tình cảm chi phối quá nhiều, từ đó hiểu rõ hơn về mong muốn của chính mình. Sự xa nhau cho phép cả hai phía có một cuộc sống độc lập, đồng thời xây dựng vòng kết nối xã hội của riêng họ mà không bị phụ thuộc vào bất cứ yếu tố nào.
Đặc biệt, với các cặp đôi đang gặp khủng hoảng hôn nhân, sự xa cách giúp họ hiểu được cả hai phía đang duy trì mối quan hệ bằng tình yêu, hay yếu tố gì khác (tiền bạc, ham muốn tình dục)... Sự xa cách tạm thời sẽ giúp họ tìm ra cơ sở chính xác cho mối quan hệ của mình.
Cảm nhận rõ hơn sự cống hiến của nửa kia cho hôn nhân
Trong hôn nhân, sự gần gũi và đóng góp vô điều kiện của một người đôi khi lại không được nửa kia ghi nhận giống như mong đợi. Thế nên, sự xa cách sẽ giúp cho họ ý thức rõ hơn về những đóng góp của nửa kia dành cho cuộc sống hôn nhân, điều mà đôi khi vì vô tâm, họ không nhận thức được. Nhờ thế, người đó sẽ trân trọng gia đình hơn và ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc giúp đỡ bạn đời chăm lo cho cuộc sống. Ví dụ, một người chồng cả đời chẳng bận tâm đến việc vợ lo cho mình từng chiếc quần, chiếc tất. Tuy nhiên, thời gian vợ đi công tác vắng nhà, mọi thứ trở nên lộn xộn, anh mới hiểu được vợ đã là người âm thầm chăm chút cho mình từng ly, từng tí những năm qua. Vì thế, anh càng trân trọng và cảm nhận rõ vai trò của cô trong cuộc sống của mình.
Thùy Linh (Theo Kknews, Timesofindia)