Ngày 20/3, vợ chồng bà Mai Thị Dần, Nguyễn Đức Chuyên cùng 30 bị cáo bị TAND tỉnh Đồng Nai xét xử về tội Trốn thuế. Tất cả được tại ngoại, hầu tòa.
Những người này bị phát hiện sai phạm trong quá trình Công an Đồng Nai điều tra mở rộng chuyên án 920 - buôn lậu 200 triệu lít xăng do Phan Thanh Hữu cầm đầu.
Theo cáo trạng, năm 2018, vợ chồng bà Dần được Nguyễn Đức Dần (36 tuổi, cháu ruột của Chuyên) rủ mua xăng dầu không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ với giá rẻ của một số người (chưa xác minh được danh tính). Lúc đầu, Đức Dần hẹn những người bán xăng sử dụng tàu nhỏ chở hàng đến cảng xăng dầu Phước An của Công ty Hà Lộc giao dịch. Sau đó, anh ta giao xăng dầu cho quản lý kho là Tống Tất Thắng hoặc Trần Hoàng Diệu để bơm vào kho. Mỗi lần như thế Đức Dần được Mai Thị Dần chiết khấu 200-300 đồng một lít.
Sau khi nhập xăng dầu lậu của cháu, vợ chồng bà Dần chỉ đạo kế toán của công ty là Lê Thị Thùy Linh xuất bán xăng cho các đầu mối như: Công ty TNHH Xăng Dầu 55555 của Nguyễn Thăng Long; Trần Trịnh Cường, quản lý Công ty TNHH Xăng Dầu Cường An (tỉnh Đăk Lăk)... với chiết khấu 200-300 đồng một lít. Thời gian sau, thấy các tàu nhỏ chở được ít hàng, Đức Dần đặt vấn đề cho "chủ hàng" mua số lượng nhiều hơn thì những người này yêu cầu "đưa tàu ra biển lấy".
Ám hiệu mua bán gần 10 triệu lít xăng dầu trên biển
Ngày 29/6/2018, Đức Dần và ông Chuyên góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư thương mại vận tải Hà Anh, trong đó Chuyên đóng góp 80%. Để hợp thức hóa, một số tàu của Công ty Hà Lộc được bán lại cho Công ty Hà Anh để chuyên ra biển nhập xăng lậu.
Để không bị cơ quan chức năng phát hiện, các tàu của Công ty Hà Anh chỉ ra vùng biển quốc tế vào ban đêm, sau khi Dần dùng ứng dụng Telegram liên lạc và thương lượng giá cả cho bên bán. Những người bán xăng sẽ gửi cho Dần tọa độ điểm hẹn để tàu đến đúng vị trí.
Khi đến nơi, Dần chỉ đạo thuyền trưởng phát tín hiệu bằng cách chớp đèn pha để xác định tàu bán xăng. Thuyền trưởng sau đó điều khiển cho tàu cặp mạn thuyền với tàu bán xăng (to hơn tàu Hà Anh) để bơm xăng và trả tiền mặt. Trước khi bơm xăng, Dần sẽ cho tiền vào túi, cột vào dây cho phía đối tác kéo lên. Đếm đủ tiền, tàu này sẽ đưa ống xăng xuống bơm qua cho tàu Hà Anh.
Sau khi giao dịch xong, tàu của Dần cấp tốc quay về cảng xăng dầu Phước An trước khi trời sáng. Theo chỉ đạo của ông Chuyên, quản lý phối hợp với thuyền viên trên tàu bơm xăng dầu vào kho, giao cho kế toán Thùy Linh theo dõi. Mỗi chuyến, Dần trả thêm cho mỗi thuyền viên từ 150.000 đồng đến một triệu đồng.
Cảnh sát xác định, từ ngày 6/7/2020 đến ngày 8/10/2021, các tàu Hà Anh đã nhập vào kho xăng dầu của Công ty Hà Lộc hơn 7,4 triệu lít xăng và hơn 2,1 triệu lít dầu. Số lượng xăng dầu trên vợ chồng Dần đã xuất bán cho các đầu mối không có hóa đơn chứng từ với chiết khấu từ 200 đến 300 đồng một lít. Kết quả giám định xác định số lượng xăng dầu có thuế giá trị gia tăng còn phải nộp ngân sách hơn 15 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên 4 tàu thủy (Hà Anh 01, Hà Anh 02, Hà Anh 05, Hà Anh 09) do Công ty Hà Anh đứng tên chủ sở hữu; tạm giữ tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng (trong đó công an thu giữ khi khám xét hơn 1,2 tỷ đồng; bị can tự nguyện nộp hơn 21 tỷ đồng) và các đồ vật liên quan trong vụ án.
Phiên tòa dự kiến từ nay đến 8/4.
Phước Tuấn