Bài hát được hòa âm theo điệu valse với các nhạc cụ mộc như guitar, violin... Trên nền giai điệu giàu chất tự sự, Cẩm Vân khoe giọng nữ trầm. Ở điệp khúc, chị đảm nhận hát chính, chồng và con gái hỗ trợ khâu bè. Cuối bài, gia đình nghệ sĩ hòa giọng khi hát về khát khao một ngày được thấy "phố thưa lại đầy", Sài Gòn chiến thắng đại dịch.
"Sài Gòn tôi sẽ náo nức như thường
Sẽ thơm phở ngon, sẽ huyên phố phường
Sài Gòn tôi sẽ thắm tươi hoa cờ
Sẽ vang tiếng ca muôn lời thơ...".
Cẩm Vân cho biết lần đầu nghe thầy giáo Thái Dương thể hiện bài hát, chị tâm đắc bởi ca từ giàu ý thơ, giai điệu man mác buồn song không bi lụy. Khi chị liên lạc tác giả xin phép cover, anh bất ngờ và xúc động. Cả nhà Cẩm Vân tự lên ý tưởng bài trí sân khấu, lắp đặt máy quay. Để có MV ưng ý, gia đình nghệ sĩ thu âm, ghi hình từ tối đến ba giờ sáng hôm sau, mất vài ngày cho khâu biên tập video. Cẩm Vân nói: "Chúng tôi muốn làm gì đó cho đỡ nhớ nghề khi xa sân khấu, cũng là món quà gửi tặng bạn bè, khán giả thời giãn cách".
Sài Gòn tôi sẽ ra mắt hồi tháng 6, tạo hiệu ứng trên mạng xã hội. Ca khúc đạt gần một triệu lượt xem (tính cả bản chính thức lẫn bản demo), được nhiều người cover như Thái Trinh, Trâm Anh... Nhạc sĩ Võ Hoài Phúc đánh giá: "Giai điệu và tiết tấu mang cho tôi cảm giác bình yên, cảm thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng, dù lúc này Sài Gòn và nhiều con người ở đây thấm mệt... Không phải lời hô hào kêu gọi động viên mạnh mẽ, mà rất tình cảm và dịu dàng, có gì đó rất bao dung, rất Sài Gòn".
Thái Dương sinh năm 1991, là giáo viên dạy tiếng Anh. Sài Gòn tôi sẽ nằm trong chùm ca khúc về Sài Gòn anh tự sáng tác, gồm những câu chuyện kể về thành phố, tình bạn, tình yêu thập niên 1990.
Nhiều nghệ sĩ đang hưởng ứng phong trào sáng tác ca khúc gợi cảm hứng lạc quan thời dịch. Làn sóng này được khởi xướng từ đợt dịch đầu tiên năm ngoái, gần đây trở lại với nhiều ca khúc được khán giả đón nhận như: Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn(Tuấn Hưng - Khắc Việt), Cô Vi đi xa (Dế Choắt), Gửi vô Nam (Ánh Tuyết), Sài Gòn tôi thương (Xuân Phước - Quốc Vũ)...
Tam Kỳ