Những ngày TP HCM giãn cách, ca khúc Sài Gòn tôi sẽ của Thái Dương được nhiều người chia sẻ, như lời động viên thành phố đang gồng mình chống dịch. Tác giả thể hiện cảm xúc buồn khi Sài Gòn vắng lặng và mơ ước thành phố sớm trở lại nhịp sống rộn rã. Sau năm ngày ra mắt, bài hát có hơn 10 bản cover. Một số người đẩy tiết tấu ca khúc nhanh hơn để tạo không khí vui vẻ. Ca sĩ Ngọc Linh sử dụng đàn ukulele để bài hát tươi vui hơn. Tuy nhiên, nhiều người nhận xét họ vẫn thích phiên bản gốc qua giọng hát mộc của Thái Dương.
Nhạc sĩ Võ Hoài Phúc bình luận: "Giai điệu và tiết tấu mang cho tôi cảm giác bình yên, cảm thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng, dù lúc này Sài Gòn và nhiều con người ở đây thấm mệt. Ca từ trong sáng mang đến tinh thần lạc quan cho những ngày sắp tới. Không phải lời hô hào kêu gọi động viên mạnh mẽ mà rất tình cảm và dịu dàng, có gì đó rất bao dung, rất Sài Gòn".
Sài Gòn tôi sẽ không phải là ca khúc đầu tiên Thái Dương viết về thành phố. Cuối tháng 6, anh tự thu âm, phát hành trên Youtube album Saigon9x. Ý tưởng hình thành từ năm 2017, khi anh bắt đầu dọn ra ngoài ở riêng, trông ngóng dịp đoàn tụ gia đình. Thế nhưng Tết thời hiện đại diễn ra chóng vánh, vội vàng, khiến anh hụt hẫng.
Khi nhìn những mẩu tin nhắn chúc Tết được soạn sẵn, gửi đi hàng loạt trên Facebook, Zalo, anh nhớ những tấm thiệp chúc Tết mọi người thường trao nhau cách đây 20 năm và viết trong bài hát Ngày đó, Tết: "Ngày đó, cánh thiệp viết bằng tay, tâm tư bằng mực giấy, nôn nao khi nhận lấy".
Cùng thời điểm ấy, Thái Dương có con trai. Đứa trẻ khiến anh hồi tưởng những kỷ niệm tuổi thơ, bên gia đình lúc nhỏ. Trong bài Nhà tôi, anh kể hồi ức sống bên con hẻm gập ghềnh, bắn bi, chơi lò cò cùng lũ bạn, tối tối cả nhà quây quần quanh chiếc tivi đen trắng... Với bài Về, anh truyền tải mơ ước thăm lại phố xưa, nhà cũ, thưởng thức những món ăn dân dã một thời.
Ngoài những trải nghiệm bản thân, Thái Dương xem nhiều phim cũ như Đất phương Nam, Hẹn gặp lại Sài Gòn, MV Bước chân lẻ loi của Đan Trường, Nắng Sài Gòn của Tam ca Áo trắng... để tìm cảm hứng. Anh dùng chất liệu nhạc valse chủ đạo trong album, gợi nhớ không khí trong những phòng trà, quán bar ở Sài Gòn hơn 20 năm trước. Các ca khúc tạo cảm xúc yên bình, như tách biệt khỏi thế giới xô bồ. Giọng hát hồn nhiên của tác giả dễ đi vào lòng người nghe. Anh không sử dụng nhiều kỹ thuật, hát như thủ thỉ, chuyện trò. Trên Youtube, khán giả Dean Nguyen nhận xét: "Cảm xúc, ca từ của tác giả 9x mà nghe như thế hệ 6x, 7x, đầy hoài niệm. Giọng ca trong sáng, giai điệu tự nhiên, chân phương, không gò bó, gượng ép".
Từng tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, sau lại trở thành thầy giáo tiếng Anh nhưng Thái Dương đam mê âm nhạc từ nhỏ. Năm 14 tuổi, anh được bố mua cho cây guitar đầu tiên cùng một cuốn sách hướng dẫn. Anh tự mò mẫm, học hỏi những đàn anh khóa trên. Sau này, anh chơi thân với nhạc sĩ Võ Hoài Phúc, "học lỏm" được vài chiêu viết nhạc. Với Thái Dương, sáng tác chỉ đơn giản là hát lên lời thơ từ cảm xúc, tiếng lòng mình.
Ngoài những ca khúc viết theo cảm xúc về Sài Gòn, Thái Dương cover nhiều bài hát, đặt lời mới để phục vụ việc dạy học tiếng Anh. Anh từng viết lại lời bài Đom đóm (Jack) - chủ đề côn trùng, Hong Kong 1 (Nguyễn Trọng Tài) - chủ đề các quốc gia, Despacito (Luis Fonsi và Daddy Yankee) - chủ đề cách ly. Trong các video, Thái Dương thể hiện sự duyên dáng, sáng tạo.
Hà Thu