![]() |
Bà Cốc Khai Lai được những người quen ở Anh đánh giá cao vì sự lôi cuốn. Ảnh: Shanghaiist |
Theo lời kể của chính trị gia "ngã ngựa" Bạc Hy Lai, vợ của ông là người phụ nữ ở hậu trường, chăm lo cho gia đình và hy sinh công việc của bản thân để hỗ trợ cho sự nghiệp của chồng.
Bà Cốc Khai Lai, 53 tuổi, đã tạm dừng sự nghiệp đang ở đỉnh cao của mình khi chồng bà bắt đầu giữ chức bí thư thành ủy thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc.
Nhưng hiện tại bà có thể phải đối mặt với mức án cao nhất sau khi chính thức bị buộc tội sát hại doanh nhân người Anh bằng thuốc độc hồi tháng 11 năm ngoái.
Bà Cốc nổi tiếng là người có tham vọng và đầy lòng quyết tâm, dường như không giống như một người phụ nữ im lặng phía sau hậu trường.
Kể từ khi ông Bạc bị cách chức bí thư Trùng Khánh hồi tháng 3, dấy lên nhiều tin đồn rằng bà có liên quan đến những phi vụ làm ăn với Neil Heywood, 41 tuổi. Người này bị phát hiện chết trong khách sạn ở Trùng Khánh tháng 11 năm ngoái.
Tháng 4, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua xác nhận có mối liên hệ giữa bà Cốc Khai Lai cùng con trai, Bạc Qua Qua, với doanh nhân người Anh, và mối quan hệ này rạn nứt vì những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế.
Bà Cốc bắt đầu hành nghề luật sư từ năm 1987, sau khi thành lập văn phòng luật mang tên Khai Lai của mình. Trước khi tạm dừng công việc này năm 2001, bà được ca ngợi khi trở thành luật sư Trung Quốc đầu tiên thành công trong vụ kiện tại tòa án Mỹ. Bà Cốc viết hai cuốn sách kể về kinh nghiệm này và sách bán rất chạy tại Trung Quốc.
Ed Byrne, một luật sư người Mỹ từng làm việc với bà, kể rằng bà ấy là người "thông minh, lôi cuốn, hấp dẫn", "tôi rất ấn tượng với bà ấy", BBC dẫn lời Byrne nói.
Cũng giống như chồng mình, bà Cốc là con một lão thành cách mạng Trung Quốc, và cũng theo học tại trường Đại học Bắc Kinh danh tiếng. Hai người gặp nhau lần đầu tiên năm 1984 khi bà Cốc đến nghiên cứu gần thành phố Đại Liên, phía đông Trung Quốc. Khi đó ông Bạc là bí thư của thành phố này, từng có một đời vợ và con riêng.
Hai người cưới nhau 2 năm sau đó và năm 1987 có một con trai, Bạc Qua Qua. Anh từng học ở đại học Oxford, Anh và mới nhận bằng thạc sĩ tại đại học Harvard, Mỹ.
"Bạc Hy Lai rất giống cha tôi, là mẫu người đàn ông lý tưởng", bà Cốc nói với báo Southern Weekend năm 2009, khi kể về ấn tượng đầu tiên với ông Bạc. "Ông ấy sống trong một căn phòng nhỏ, bừa bộn. Ông ấy mời tôi ăn táo và nói chuyện với tôi về những ý tưởng của mình".
Từ sau đó bà đã đi cùng ông Bạc và xây dựng hình ảnh một người phụ nữ độc lập, làm việc chăm chỉ và có sự nghiệp riêng. Cho đến trước tháng 3, bà luôn được truyền thông Trung Quốc ca ngợi là điển hình của mẫu người phụ nữ hiện đại.
Bà Cốc sinh ra trong gia đình thanh thế, cha của bà là ông Cốc Cảnh Sinh, lão thành cách mạng. Nhưng tuổi thơ của bà không trôi qua yên ả. Cha mẹ bà bị bắt giữ trong thời Cách mạng Văn hóa và 4 chị em bà phải thôi học và về nông thôn cải tạo. Thời gian đó bà từng làm nhiều nghề để kiếm sống, trong đó có bán thịt và công nhân xây dựng.
Vũ Hà