Cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh và vợ. Ảnh: Telegraph |
Bây giờ khi vợ của chính trị gia thất sủng Bạc Hy Lai - bà Cốc Khai Lai - đã bị truy tố về tội giết người, thủ tục tố tụng có thể sẽ chỉ mất 10 ngày, với một kết quả nhằm loại bỏ bà khỏi sự chú ý của công chúng trong thời gian Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực, tờ CSM nhận xét.
Hôm 26/7, bản cáo trạng của Cốc đã được công bố. Bà cùng một trợ lý của gia đình bị buộc tội giết một doanh nhân người Anh có quan hệ thân thiết với gia đình. Với tầm quan trọng của vụ án đối với lãnh đạo Trung Quốc, việc công bố bản cáo trạng có thể có nghĩa là các nhà lãnh đạo đã đạt được sự nhất trí đối với tội danh.
Câu hỏi quan trọng nhất hiện nay có lẽ là: chuyện gì sẽ xảy ra với ông Bạc, người cho đến nay vẫn được điều tra riêng rẽ vì "những vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng". Lãnh đạo Trung Quốc chưa đưa ra tín hiệu nào về tương lai của cựu bí thư Trùng Khánh.
Bạc là một cán bộ chính trị cấp cao bị thất sủng sau khi giám đốc công an của ông chạy vào lãnh sự quán Mỹ và bị nghi ngờ tiết lộ rằng bà Cốc vợ ông có dính líu đến cái chết của doanh nhân Neil Heywood. Ba tháng trước, chính phủ thông báo rằng bà Cốc và trợ lý Trương Hiểu Quân, bị điều tra, còn Bạc bị đình chỉ các chức vụ trong Bộ Chính trị vì hành vi vi phạm kỷ luật, nhưng không đưa ra chi tiết.
Vụ bê bối thu hút sự chú ý đặc biệt cả trong và ngoài nước Trung Quốc. Trước sự kiện chuyển giao quyền lực dự kiến vào mùa thu này, việc đưa vụ án của bà Cốc ra xét xử rồi khép lại sẽ giúp chuyển hướng sự chú ý một cách nhanh chóng.
Tội chết?
Bà Cốc Khai Lai sẽ sớm được đưa ra xét xử. Ảnh: Shanghaiist |
Nếu bị kết tội cố ý giết người, mà khả năng điều này sẽ xảy ra, thì Cốc và Trương sẽ phải chịu các phạt từ mức hơn 10 năm tù giam đến chung thân hoặc tử hình. Một bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo nhà nước, hôm 27/7 vừa qua nói rằng vụ án là một cơ hội để chứng tỏ rằng tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
“Luật pháp cần phải là nguyên tắc duy nhất mà vụ án cần tuân thủ. Bất chấp việc phán quyết chịu những tác động gì, các thẩm phán phải trung thành với luật pháp. Đây là một thử thách cho cam kết của họ đối với những quy định của pháp luật”, tờ báo viết.
Rất có thể là kiến trúc sư người Pháp, Patrick Devillers, từ Campuchia sang Trung Quốc là để chuẩn bị cho vụ xử Cốc. Devillers nói với các nhà ngoại giao Pháp rằng ông sẽ đi Trung Quốc để hỗ trợ cho vụ điều tra. Kiến trúc sư này đã giúp Bạc xây dựng lại thành phố Đại Liên khi Bạc làm thị trưởng thành phố này trong những năm 1990.
Nhiều chi tiết khác của vụ án vẫn chưa được tiết lộ, khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi.
Vẫn không rõ tại sao vụ án được xét xử tại thành phố Hợp Phì, mặc dù nghi án giết người diễn ra tại Trùng Khánh. Tuy nhiên có tiền lệ là các vụ án xử các chính trị gia phạm tội thường được tổ chức tại địa phương không bị ảnh hưởng của bị cáo.
Vụ án năm 2008 xét xử tham nhũng của cựu lãnh đạo đảng Thượng Hải, Trần Lương Vũ, đã được tổ chức tại Thiên Tân. Trong vụ của Cốc, các nhà cầm quyền cũng có thể hy vọng tránh được việc tổ chức xử ở Trùng Khánh, nơi mà ông Bạc vẫn còn nổi tiếng và còn lực lượng ủng hộ.
Li Fangping, luật sư ở Bắc Kinh nói rằng có một số khả năng có thể xảy ra sau khi xử: Nếu Cốc và Trương bị buộc tội về cả chủ mưu và thực hiện vụ giết người, thì cả hai sẽ bị kết án tử hình. Nhưng nếu một thẩm định hình sự cho thấy Cốc bị các vấn đề tâm thần, bà có thể nhận được một bản án khoan dung hơn, hoặc thậm chí được miễn hình phạt.
Một nhân tố khác có khả năng miễn hình phạt có thể là nếu Cốc có thể chứng minh được rằng bà ta hành động để phòng vệ, chống lại mối nguy hiểm đến tính mạng, luật sư Li nói thêm.
Một luật sư thông hiểu vụ việc mới đây cho biết bà Cốc đã chấp nhận hai luật sư do chính quyền chỉ định trong nghi án giết người. Quyết định của bà Cốc có thể là dấu hiệu cho thấy những bước đi cuối cùng trong việc giải quyết nghi án đã đến gần.
Phạm Ngọc Uyển (theo CSM)