Công ty cổ phần VNG vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên, hé lộ những con số liên quan đến hoạt động của Tiki cũng như VNG trong nửa đầu năm 2018.
Theo báo cáo này, VNG đã rót thêm hơn 120 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay để mua cổ phần phát hành riêng lẻ của Tiki. Tuy nhiên, việc chỉ mua một phần nhỏ trong tổng số cổ phần chào bán riêng lẻ khiến tỷ lệ sở hữu của VNG tại Tiki giảm xuống còn gần 29%, so với mức 38% trong lần đầu VNG góp vốn vào trang thương mại điện tử này.
Dù tỷ lệ sở hữu đã giảm gần 10%, ảnh hưởng của Tiki đến VNG vẫn thấy rõ qua những số liệu trên báo cáo tài chính.
Trong 6 tháng đầu năm, khoản lỗ của Tiki ghi nhận vào kết quả kinh doanh của VNG là 102 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối quý II, giá trị khoản đầu tư của VNG vào Tiki có giá trị ghi sổ hơn 500 tỷ, đứng đầu trong danh sách những khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết nhưng giá trị còn lại chỉ hơn 185 tỷ đồng.
Kết quả thua lỗ của Tiki trong nửa đầu năm nay, thực tế, đã diễn ra kể từ khi doanh nghiệp này đi vào hoạt động.
Theo báo cáo tài chính Tiki, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ lũy kế gần 308 tỷ đồng đến vào cuối năm 2016. Nếu tính thêm khoản lỗ 282 tỷ trong báo cáo thường niên năm 2017 của VNG, lỗ lũy kế của trang thương mại điện tử này đã lên tới gần 600 tỷ đồng sau 7 năm đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, Tiki cũng không phải đơn vị duy nhất trong phân khúc thương mại điện tử chịu cảnh liên tục thua lỗ. Đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Lazada Việt Nam đã lên gần 2.800 tỷ đồng, trong khi Shopee - một sản phẩm từ Garena (nay đã đổi tên thành SEA) cũng lỗ tổng cộng hơn 800 tỷ đồng.
Về phần VNG, việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Tiki cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của doanh nghiệp này sụt giảm. Trong nửa đầu năm, doanh thu của VNG vẫn tương đương năm trước khi đạt trên 2.000 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp trên 50%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn chưa tới một nửa.
Ngoài khoản lỗ từ công ty liên kết tăng gấp đôi, chi phí gia tăng cũng là một phần nguyên nhân khiến lợi nhuận VNG giảm sâu. Trong 6 tháng đầu năm, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của VNG tăng lần lượt 93% và 30% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, kết quả lợi nhuận sụt giảm cũng đã được ban lãnh đạo VNG dự đoán từ đầu năm. Theo kế hoạch được các cổ đông thông qua, VNG đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2017. Tuy nhiên lợi nhuận dự kiến chỉ đạt 549 tỷ đồng so với mức 938 tỷ đã thực hiện.
Lý do được VNG đưa ra là tập trung nguồn lực đầu tư vào các sản phẩm chiến lược và đa dạng hóa hoạt động. Trong đó công ty này tập trung vào 4 nhóm chính là ví điện tử, phát triển sản phẩm di động, xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm trong công ty và thương mại điện tử.
Đến cuối quý II, tổng tài sản của VNG đạt gần 4.400 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, gần 2.500 tỷ đồng nằm trong khoản mục tiền, tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.
Minh Sơn