Hoàng, một tín đồ chuyên mua hàng qua mạng hớn hở khoe, vừa "săn" được vài món hàng "sale" với tổng giá 500.000 đồng trên một website thương mại điện tử. Hoàng tiết lộ đang trong tư thế sẵn sàng cho đợt bán với giá ưu đãi vài nghìn đồng trên một "sàn" khác.
Mỗi tháng, Hoàng cũng săn được 4-5 món hàng giá rẻ. Nếu đồ nào không dùng thì cậu đăng bán lại với giá hấp dẫn. “Trong mấy tháng trước, có đợt tôi mua được chiếc áo thun 5.000 đồng, cộng thêm chi phí vận chuyển tổng giá chỉ 30.000 đồng. Chất lượng sản phẩm cũng đảm bảo”, Hoàng nói.
Cũng chuyên săn hàng, Oanh ở quận 10 (TP HCM) gần đây săn được chiếc tai nghe giá chỉ 40.000 đồng, bộ gối 10 chiếc chỉ gần 300.000 đồng. Trong khi đó, nếu đi ra các cửa hàng, giá một chiếc gối cùng chất liệu có thể lên tới 100.000 đồng một chiếc.
Hoàng hay Oanh chính là những khách hàng mà các đại gia thương mại điện tử "săn" tìm và giành giật trong cuộc chiến khốc liệt hiện nay. Theo một chuyên gia marketing ở TP HCM, khuyến mãi của các chợ điện tử ngày càng bùng nổ và dày đặc. Nếu website này tung ra một chương trình khuyến mãi lớn thì một “tay to” khác cũng bùng nổ khuyến mãi ngay sau đó, kiểu như khi chương trình "giựt" cô hồn của Tiki vừa ngưng thì Shopee cũng chạy chương trình "Ngày hội siêu mua sắm" để hút người dùng.
Lazada - ông lớn vào thị trường từ rất sớm - cũng thường xuyên tung ra các khuyến mãi kỷ niệm sinh nhật vào tháng 4 hàng năm hoặc ngày Single Day (11/11) với ngân sách tới hàng chục tỷ đồng.
Không dừng lại ở việc khuyến mãi sản phẩm, các đại gia này còn thường xuyên miễn phí giao hàng. Theo báo cáo tài chính mà SEA (đơn vị sở hữu Shopee Việt Nam) nộp lên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ), trong 3 tháng đầu năm 2018, trung bình một ngày Shopee có 30.000 đơn hàng ở Việt Nam và hầu hết đều được hỗ trợ phí giao hàng và thu hộ. Thậm chí, có những đơn được Shopee hỗ trợ tối đa tới 50.000 đồng phí giao hàng và 30.000 đồng phí thu hộ. Số tiền Shopee bỏ ra để miễn phí vận chuyển có thể không hề nhỏ nhưng đây là một trong những cách khiến sàn thương mại điện tử này có lợi thế hiện nay.
Lazada không miễn phí giao hàng thường xuyên nhưng hãng này cũng đưa ra nhiều cách thức giao hàng để người dùng lựa chọn. Với ai thường xuyên mua sẽ dễ dàng nhận được ưu đãi và biết cách tiết kiệm chi phí hơn.
Dù chợ điện tử luôn sôi động, kết quả thu được không hoàn toàn màu hồng.
Hầu hết các đại gia như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo đang phải chịu cảnh lỗ lớn. Lỗ mạnh nhất là Lazada khi lỗ lũy kế đạt gần 2.743 tỷ đồng vào cuối 2016. Tiki doanh số tốt nhưng cũng gánh khoản lỗ lũy kế gần 600 tỷ đồng. Hay như Shopee, năm 2016 khi mới tham gia thị trường, họ chỉ lỗ hơn 160 tỷ. Tuy nhiên, đến năm 2017, khoản lỗ gia tăng lên hơn 600 tỷ đồng. Lý do được SEA giải thích là "tăng mạnh chi tiêu cho quảng cáo, khuyến mãi".
Chia sẻ với VnExpress ông Trần Văn Quý, Giám đốc điều hành EQVN cho rằng, cuộc chiến giành người dùng trên thị trường thương mại đang bùng nổ nhưng đó sẽ là một cuộc đua dài hơi.
Theo ông Quý, các đại gia đang “phớt lờ” chuyện lỗ để giành vị trí số 1 trong cuộc đua tìm kiếm người dùng (User). Rất hiếm trang thương mại điện tử nào có lãi sau 3, thậm chí 5 năm hoạt động. Bản thân ông lớn như Amazon, đã phải mất 15 năm chi lượng tiền "khủng" để hút người dùng.
Để có lãi, họ phải có một lượng khách hàng lớn, đạt biên độ lợi nhuận trung bình và phải xây dựng hàng chục triệu khách hàng trong 5-10 năm. Chấp nhận thua lỗ để thâu tóm thị phần là cuộc chơi tất yếu khi mà thị trường hiện tại toàn những “đại gia” chịu chi.
“Cuộc chiến thương mại điện tử ở Việt Nam hiện không chỉ dừng lại ở việc kiếm lợi nhuận dựa trên hoạt động bán hàng mà xu hướng sẵn sàng chịu lỗ để giá trị thương hiệu được biết đến nhiều hơn. Lúc đó, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư sẵn sàng chi lớn để đầu tư", ông Quý nói và dẫn trường hợp Lazada lỗ cả nghìn tỷ đồng nhưng được Alibaba mua lại với giá trị hàng tỷ USD.
Thực tế các ông chủ đứng sau những sàn thương mại điện tử đã không ngừng bơm thêm vốn. Đầu năm 2018, Tiki tiếp tục được tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc là JD.com cùng một số nhà đầu tư khác rót thêm khoảng 50 triệu USD. Lazada sẽ được Alibaba đầu tư thêm 2 tỷ USD. Trong khi đó, Sendo cũng mới vừa được các nhà đầu tư "bơm" thêm 52 triệu USD. Hay như Shopee cũng được công ty mẹ SEA tăng 1.200 tỷ đồng vốn nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi tại Việt Nam.
Theo ước tính của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2017 đạt trên 25-30% và tốc độ này có thể được duy trì trong ba năm tiếp theo 2018 - 2020. Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 đến 35%.
Thi Hà