Những con số này sẽ được Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VNG trình cổ đông trong phiên họp thường niên tới đây.
Năm nay, trọng tâm của VNG tập trung vào các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hóa. Đặc biệt, công ty cho biết sẽ phát triển mảng thanh toán, AI và Cloud để tham gia vào "làn sóng công nghệ tiếp theo". Trong những mục tiêu trên, mảng thanh toán có thể là nguyên nhân khiến lợi nhuận của VNG về con số âm.
Các ví điện tử, trung gian thanh toán đang cạnh tranh gay gắt để kéo khách hàng, tăng thị phần. Cuộc đua "đốt tiền" thông qua các chương trình khuyến mãi khiến những cái tên dẫn đầu đều lỗ nặng. Năm 2020, Công ty cổ phần Zion, đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay, báo lỗ hơn 666 tỷ đồng. VNG là công ty mẹ của Zion với sở hữu 60%.
Báo cáo thường niên năm 2020 của VNG cho biết, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của ZaloPay trong năm trước tăng gấp 4 lần năm 2019. Riêng số người gửi tiền ZaloPay trong Zalo chat hàng tháng tăng 10 lần trong nửa cuối năm 2020.
Dồn lực cho các mảng kinh doanh mới cũng là lý do Hội đồng quản trị VNG quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận, không chia cổ tức trong năm 2020.
VNG cũng lên kế hoạch bán toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ đang nắm giữ. Tờ trình của Hội đồng quản trị cho biết, VNG hiện nắm giữ hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương gần 20% tổng số cổ phần phát hành.
Dự kiến, số cổ phiếu quỹ này sẽ được chào bán cho nhà đầu tư trong nước trong quý III hoặc quý IV, với yêu cầu là nhà đầu tư "có uy tín, năng lực tài chính và có lợi ích gắn kết lâu dài với VNG". Nhà đầu tư mua số cổ phần này sẽ trở thành một trong những cổ đông lớn nhất tại VNG.
Ngoài ra, công ty sẽ tiếp tục chính sách phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên. Năm nay, VNG dự kiến phát hành gần 415.000 cổ phiếu, trong đó gần 88.500 cổ phiếu sẽ được chào bán giá 20.000 đồng và số còn lại với giá 30.000 đồng.
Minh Sơn