Công ty cổ phần VNG vừa ra báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2019, trong đó hé lộ về kết quả khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Tiki.
Theo báo cáo này, giá trị khoản đầu tư vào Tiki đến thời điểm 30/6/2019 là hơn 506 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị còn lại của khoản đầu tư đã về 0, do VNG chịu phần lỗ từ công ty liên kết tương ứng với tỷ lệ sở hữu trong Tiki. Đến cuối tháng 6, tỷ lệ sở hữu của VNG tại Tiki là 24,6%.
Được thành lập năm 2010 và đặt trụ sở chính tại TP HCM, Tiki khởi nghiệp bằng bán sách trực tuyến. Sau đó, trang thương mại điện tử này mở rộng hoạt động kinh doanh các hàng hóa, sản phẩm khác nhau, từ đồ dân dụng, thời trang, đồ công nghệ, cho tới sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp...
Tiki bắt đầu vòng gọi vốn đầu tiên năm 2012 từ quỹ đầu tư mạo hiểm Cyberagent, trước khi chốt khoản đầu tư vòng Series B với tập đoàn Sumimoto. Tháng 5/2016, Tiki nhận khoản đầu tư 17 triệu USD (khoảng 384 tỷ đồng) từ VNG đổi lấy 38% cổ phần. VNG, sau đó, cũng trở thành cổ đông lớn nhất tại sàn thương mại điện tử này.
Tuy nhiên, trong điều kiện cạnh tranh liên tục của lĩnh vực thương mại điện tử, khi các đối thủ khác như Lazada, Shopee liên tục "đốt tiền" để giành thị phần, Tiki liên tục phải huy động thêm vốn để hoạt động. VNG, dù là cổ đông lớn nhất, nhưng chỉ tham gia một lần sau đó trong đợt chào bán riêng lẻ đầu năm 2018, rót thêm 120 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý II, tỷ lệ sở hữu của VNG tại Tiki giảm xuống còn 24,6%, so với mức 38% lần đầu rót vốn.
Trong khi đó, nhờ liên tục đổ vốn vào Tiki kể từ lần đầu cuối năm 2017, JD.com - đại gia thương mại điện tử của Trung Quốc - hiện đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của sàn thương mại điện tử này và chỉ đứng sau VNG.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, JD.com đến ngày 25/6 sở hữu 25,65% cổ phần Tiki. Tuy nhiên, theo đại diện Tiki, tỷ lệ sở hữu của JD thực tế thấp hơn con số này, do thời điểm này Tiki nộp báo cáo về tỷ lệ sở hữu và công bố có sự sai lệch.
Theo số liệu do Tiki cung cấp, sàn thương mại điện tử này đang có cổ phần thuộc sở hữu của những nhà đầu tư Việt Nam cùng với các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hong Kong. Trong đó, đến cuối quý II, các nhà đầu tư Việt Nam đang giữ cổ phần lớn nhất, chiếm 51,33%. Nhà đầu tư Trung Quốc chiếm 21,47%. Phần còn lại, tương đương 27,2% thuộc về các nhà đầu tư có quốc tịch khác.
Minh Sơn