Ông Pascal Lamy. Ảnh Anh Tuấn. |
"Tôi tới đây cùng Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Romano Prodi nhằm tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 5 và cũng để xem có thể hoàn tất đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO ngay lần nay không. Các cộng sự của chúng ta đang nỗ lực làm việc và bước đầu đã đạt những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực hàng hoá. Tuy nhiên, vẫn còn một vài điểm bất đồng cơ bản liên quan tới vấn đề mở cửa thị trường của Việt Nam", ông Pascal Lamy trao đổi tại cuộc gặp doanh nghiệp do Eurocham tổ chức.
Theo ông, vướng mắc lớn nhất vẫn là vấn đề mở cửa thị trường dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, bưu chính, hàng hải, du lịch, tài chính và dịch vụ môi trường. Ông cho biết, EU coi trọng quan điểm của Việt Nam trong những vấn đề nhạy cảm đó và sẽ cân nhắc xem còn vấn đề gì có thể thương lượng thêm để hài hoà lợi ích các bên.
Cao uỷ thương mại châu Âu cho biết, 2 mục đích được đặt ra khi EU cam kết ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO: Việt Nam là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh chóng và có tiềm năng to lớn và trong một số lĩnh vực các doanh nghiệp EU đã có được lợi thế cạnh tranh lớn. Mặt khác, Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển có thu nhập thấp và EU giữ vai trò của một nhà bảo trợ cho quá trình gia nhập WTO. Hiện công việc bàn bạc giữa hai bên vẫn đang tiếp diễn. Các cộng sự của ông Lamy vẫn tiếp tục làm việc cật lực và theo ông đã thu được những tiến triển tích cực trong vài ngày gần đây, đáng chú ý là trong lĩnh vực hàng hoá.
"Trong giai đoạn này, tôi không chắc liệu chúng ta có thể giải quyết tất cả những vấn đề quan trọng trước khi tôi rời Việt Nam trưa mai hay không. Tôi sẽ có cuộc gặp với người đồng nhiệm Việt Nam Trương Đình Tuyển chiều nay. Có thể là tới tối nay, một bức tranh sáng sủa hơn sẽ xuất hiện" - ông Lamy khẳng định.
Một trong những yêu cầu quan trọng mà EU đưa ra trong các cuộc đàm phán song phương là các doanh nghiệp của mình phải được đối xử bình đẳng với doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam đang cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này bởi ưu đãi dành cho doanh nghiệp Mỹ nằm trong khuôn khổ những cam kết song phương theo Hiệp định Thương mại (BTA). Và những ưu đãi đó sẽ tự động hết hiệu lực khi Việt Nam là thành viên WTO. Còn đàm phán song phương với EU lại nằm trong khuôn khổ WTO và mọi cam kết Việt Nam - EU sẽ tự động áp dụng với tất cả các quốc gia thành viên khác, vì vậy nếu nhượng bộ quá lớn sẽ rất bất lợi cho Việt Nam.
Song Linh