![]() |
Thứ trưởng Mai Liêm Trực trả lời phỏng vấn VnExpress. |
- Xin thứ trưởng cho biết thêm mục đích thành lập cơ quan này?
- VN đang trong quá trình chuyển đổi, theo kinh nghiệm của các nước và ngay WTO cũng khuyến nghị nên có một cơ quan giám sát độc lập với Chính phủ và Bộ chủ quản để có thể quản lý các vấn đề cạnh tranh. Theo đề án, Cục viễn thông có nhiệm vụ chính là thực thi các chính sách của Bộ Bưu chính Viễn thông, đặc biệt xử lý khiếu nại của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề kết nối. Hiện nay các vụ như Kế hoạch Tài chính, Viễn thông vừa ban hành, vừa thực thi chính sách khiến công việc nhiều khi chậm, lại không công bằng.
- Cục Quản lý viễn thông trực thuộc Bộ, vậy làm thế nào để các quyết định hoàn toàn độc lập và không ưu ái cho VNPT?
- Do yếu tố lịch sử, niềm tin xã hội dễ khiến dư luận cho rằng khó có thể tách bạch VNPT và Bộ. Chúng tôi cũng thừa nhận năng lực quản lý của Bộ còn nhiều hạn chế, hệ thống văn bản pháp lý còn thiếu chẳng hạn, Pháp lệnh viễn thông đã có và cho phép các công ty tư nhân được tham gia kinh doanh dịch vụ không có hạ tầng mạng song việc cấp phép rất chậm vì quy định hướng dẫn cụ thể chưa có. Cấp phép kết nối còn lúng túng vì những quy định về mẫu, tiêu chuẩn cho doanh nghiệp xin kết nối còn thiếu. Tuy nhiên, đứng ở góc độ quản lý Bộ sẽ cố gắng để cơ quan này có các quyết định độc lập.
- Nhiệm vụ chính của Cục viễn thông là thúc đẩy cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh số của các doanh nghiệp ngoài VNPT chưa bằng 1/10 so với đại gia này thì liệu có sức ép cạnh tranh nào đối với VNPT?
- Nếu nói rằng VNPT không có sức ép cạnh tranh thì không hẳn đúng. Những biến chuyển về giá cước trong năm nay cho thấy thị trường đang cạnh tranh khá quyết liệt. Thực tế, để doanh nghiệp chiếm thị phần lớn cần đầu tư lớn và có thời gian. Hiện nay mạng cố định VNPT vẫn chiếm 70-80% song trong một số lĩnh vực doanh nghiệp mới đang chiếm lĩnh thị trường khá nhanh, chẳng hạn VDC chỉ chiếm trên 50% thị phần Internet, 35-40% VoIP. Rồi đây, thị trường di động cũng có nhiều thay đổi khi các nhà cung cấp dịch vụ mới xuất hiện. Bản thân tôi cũng cho rằng duy trì doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế lâu không có lợi cho cạnh tranh và phát triển. Trong hệ thống văn bản pháp luật tới đây, Bộ cũng sẽ ban hành các quy định làm tăng thẩm quyền cho các doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế.
- Một trong các nguyên nhân khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp mới bị hạn chế là cước thuê kênh và kết nối quá cao. Vậy năm tới, hai loại cước này có tiếp tục giảm?
- Trước đây các doanh nghiệp mới vẫn phải đóng góp một phần công ích nên cước kết nối bị tính cao hơn giá thành. Vừa rồi, Chính phủ quy định các doanh nghiệp sẽ đóng công ích theo doanh thu vì thế tôi cho rằng tới đây sẽ có điều chỉnh và dựa hoàn toàn trên cơ sở giá thành.
Riêng về phần cước thuê kênh trong năm nay có giảm nhưng vẫn còn đắt. Tuy nhiên, thị trường đã xuất hiện cạnh tranh khi mới đây Công ty điện tử viễn thông quân đội, Công ty viễn thông điện lực Hà Nội đã bắt đầu cho thuê kênh. Doanh nghiệp mới chưa xây dựng được mạng lưới đáng kể nhưng rồi đây VNPT sẽ phải xem xét giảm cước thuê kênh trong thời gian tới vì nếu cứ để cao như vậy sẽ mất thị phần. Về phần bộ, nếu VNPT trình phương án giảm cước thuê kênh chúng tôi sẽ nghiên cứu để phê chuẩn nhanh nhất.
Phong Lan thực hiện