![]() |
Chính phủ chờ ý kiến đóng góp của các tổ chức quốc tế, DN trong và ngoài nước để cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy nhanh hội nhập. |
Việc kết thúc vòng đàm phán thứ 6 vừa qua, theo Phó thủ tướng là một bước quan trọng cho VN nhanh chóng gia nhập WTO trong vòng 2 năm tới. Ông nói: "Khác với 5 vòng đàm phán trước, đây là lần đàm phán thực chất đầu tiên. Nó đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể và các bước công việc rất rõ ràng mà Chính phủ phải tiến hành theo thông lệ dành cho thành viên mới của WTO".
Đề cập đến quá trình tăng trưởng kinh tế 5 tháng đầu năm, Phó thủ tướng, cho rằng, đã nảy sinh khá nhiều yếu tố cản trở từ trong nước như nạn dịch SARS, hạn hán tại nhiều nơi; và các yếu tố bên ngoài như chiến tranh Iraq làm giá cả thế giới biến động, nảy sinh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch từ một số nước… “Trong bối cảnh đó, việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 7%, ổn định giá cả, gia tăng xuất khẩu là những thành công lớn của VN”, Phó thủ tướng nói.
Chính phủ kêu gọi sự hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng quốc tế đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh của VN trong quá trình hội nhập AFTA và WTO. Diễn đàn này, theo Phó thủ tướng, là cơ hội tốt để đại diện các doanh nghiệp, các hiệp hội, nhà tài trợ… bày tỏ quan điểm, trình bày các khó khăn cần tháo gỡ.
Tiếp lời Phó thủ tướng Vũ Khoan, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN Klaus Rohland cùng khẳng định, việc duy trì Diễn đàn doanh nghiệp mỗi năm 2 lần trước thềm Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ có ý nghĩa quan trọng. Ông Phúc nói: “Mọi nhà đầu tư tại VN bất kể trong hay ngoài nước đều được tạo các cơ hội tốt nhất để làm ăn có lãi. Nếu có bất kỳ khó khăn gì, họ có thể đối thoại trực tiếp với quan chức Chính phủ tại diễn đàn này”. Còn ông Rohland thì cho biết, Ngân hàng Thế giới kỳ vọng diễn đàn này là dịp kiểm chứng sự minh bạch trong các chính sách kinh tế, nhất là đối với các doanh nghiệp tư nhân tại VN.
Phát biểu tại diễn đàn, đại diện nhiều hiệp hội kinh doanh trong và ngoài nước cùng biểu dương những nỗ lực vượt bậc của Chính phủ VN trong việc kiểm soát căn bệnh SARS, đề nghị Quốc hội cải tổ các luật thuế, luật ngân hàng, đất đai… Tuy nhiên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc cho rằng, vẫn còn những bất cập trong quá trình thực thi chính sách kinh tế từ Trung ương đến địa phương, trong đó nổi cộm hơn cả là sự yếu kém về chuyên môn, tình trạng quan liêu của các công chức Nhà nước. Ông đề xuất, Chính phủ cần có các đột phá về cơ chế giám sát kiểm tra việc thi hành công vụ, tạo tâm lý yên tâm cho doanh nghiệp làm ăn.
Đại diện Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) Peter Nelson cho biết, các doanh nghiệp EU muốn có một sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp VN, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng. Ông cũng đề nghị, cần có chính sách hỗ trợ ngành kinh doanh khách sạn đang gặp nhiều khó khăn dù nạn dịch SARS đã qua đi.
Diễn đàn do Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Công ty tài chính Quốc tế tổ chức. Tiếp sau diễn đàn, vào ngày 19/6, Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN sẽ khai mạc tại Sa Pa.
Số liệu kinh tế 5 tháng đầu năm: - Tăng trưởng GDP: xấp xỉ 7% Nguồn: Phát biểu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Bích Đạt tại diễn đàn. |
Bài: Thanh Xuân
Ảnh: Anh Tuấn