![]() |
Ông Thunell: "Doanh nghiệp VN vẫn yếu về quản lý". Ảnh: T.X. |
Chuyến thăm VN trong 3 ngày của ông Thunell được coi là mở ra cơ hội lớn hơn cho khu vực kinh tế tư nhân, vốn là mục tiêu “chăm sóc” chính của IFC. Trong 15 năm hoạt động tại VN, công ty này, với sứ mệnh là một bộ phận của Ngân hàng thế giới (WB) chuyên giúp đỡ doanh nghiệp tư nhân tại các nước đang phát triển, đã rót vào VN khoảng nửa tỷ đôla Mỹ. 25 doanh nghiệp đã nhận được vốn từ IFC, trong đó đáng chú ý nhất là 2 ngân hàng cổ phần Sài gòn Thương tín (Sacombank) và Á châu (ACB), mà chỉ ít ngày sau khi IFC rót vốn thì giá trị cổ phiếu đã tăng vọt.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế VN là một tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư. GDP tăng nhanh chứng tỏ lợi nhuận của đầu tư cao, vì thế luồng vốn sẽ chảy vào. IFC hài lòng về giá trị gia tăng của các khoản đầu tư hiện tại ở VN”, ông Thunell nói.
Trao đổi với báo giới chiều nay sau một số cuộc tiếp xúc quan chức Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân đang được IFC đầu tư, ông Thunell cũng thẳng thắn chỉ rõ khá nhiều bất cập của môi trường kinh doanh tại VN. Cụ thể, đó là quy định liên quan đến đầu tư của Chính phủ còn phức tạp, kỹ năng quản lý của doanh nghiệp yếu, và sự thờ ơ trong việc bảo vệ môi trường.
“Những điểm yếu này mà không sớm được khắc phục thì việc mở rộng thị trường sắp tới của các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông nhận xét.
Nhà lãnh đạo của IFC cam kết tăng gấp đôi mức đầu tư vào VN trong vòng 3 năm tới (riêng năm nay khoảng 51 triệu USD), chú trọng các lĩnh vực tài chính, thương mại, phát triển hạ tầng và công nghệ thông tin.
T.X.