Cho đến nay, VN đã kết thúc đàm phán song phương với 24 đối tác và thực hiện 10 phiên đàm phán đa phương về việc gia nhập WTO. Trong số các đối tác còn phải đàm phán song phương, chỉ có Mỹ là "nặng" nhất song đàm phán cũng đang tiến triển rất tốt. Theo nhận xét của các chuyên gia, khả năng kết thúc đàm phán của VN chỉ còn là vấn đề thời gian, không còn xa vời như trước đây nữa.
Các yếu tố trên, nhất là quyết tâm của chính phủ trong việc chủ động và tích cực hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới đã cổ vũ cho lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với việc đầu tư tại VN. Năm ngoái, VN đã thu hút được 6,3 tỷ USD vốn đầu tư mới và động thái này vẫn được tiếp tục trong những tháng đầu năm nay. Chỉ trong tháng 1 và 2, VN thu hút được 1,4 tỷ vốn đầu tư mới, trong đó dự án lớn nhất là của Intel với số vốn lên tới 600 triệu USD.
Phát biểu tại diễn đàn đầu tư sáng nay, Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng cho biết, tín hiệu khả quan của đàm phán WTO đang tạo đà cho các dòng vốn đầu tư, kể cả từ những nước lớn hay các công ty đa quốc gia trên thế giới, đổ vào VN.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tại diễn đàn "Tiếp cận các cơ hội đầu tư hậu WTO" sáng nay. Ảnh: N.P. |
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, gần đây đã xuất hiện các dự án đầu tư lớn vào VN. Đặc biệt, việc Intel - một tập đoàn lớn và danh tiếng của Mỹ - lựa chọn đầu tư vào VN sẽ có tác động tích cực, ít nhất là về mặt tâm lý đối với các nhà đầu tư của nước này. Nó có thể mở đầu cho một làn sóng đầu tư mới từ Mỹ vào VN sau khi VN gia nhập WTO.
Cũng theo ông Tuấn, thời gian qua, làn sóng đầu tư từ Nhật Bản cũng nổi lên rất mạnh mẽ. Sau chuyến đi xúc tiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để mời gọi cho 40 dự án lớn tháng 11 năm ngoái, đến nay đã có rất nhiều dự án được động thổ như dự án của Công ty Canon, Matshusita, Brother Industry... Các nhà đầu tư lớn tới VN không chỉ có ý nghĩa tăng vốn đầu tư mà còn kéo theo các nhà đầu tư nhỏ hơn vào phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Cơ sở hạ tầng, nhân lực vẫn yếu
Dù có những tín hiệu rất khả quan trên đây, thách thức trong việc cải thiện môi trường đầu tư khi VN vào WTO vẫn chưa hết. Tại diễn đàn đầu tư sáng nay, các doanh nghiệp FDI cho rằng, hai cản trở chính mà VN cần có sự chuyển biến mạnh mẽ là đào tạo nhân lực và cải thiện kết cấu hạ tầng nếu muốn tăng FDI trong thời gian tới.
Đại diện một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận xét, VN có nguồn lao động rất dồi dào với ưu thế là giá rẻ so với các nước trong khu vực. Đây cũng là một trong những điểm rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong khi đầu tư ngày càng tập trung vào chiều sâu thì điều đó vẫn chưa đủ, nhà đầu tư muốn lao động có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn nhất định.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt cho biết, VN đã xác định lực lượng lao động là một tiềm năng lớn và coi cải cách giáo dục là quốc sách hàng đầu. Thời gian gần đây, chính phủ đã tăng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục đào tạo, mở rộng việc xã hội hoá giáo dục để huy động nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước.
Tuy nhiên theo ông Đạt, chính các doanh nghiệp FDI cũng nên chủ động trong việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động tại các doanh nghiệp mình. "Lao động là tài sản của doanh nghiệp, quyết định đến chất lượng sản phẩm, do vậy, nếu muốn lao động đáp ứng được yêu cầu thì doanh nghiệp cũng nên tự đào tạo chuyên môn cho người lao động của mình", Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt nói. Bên cạnh đó, ông Đạt cũng mong muốn nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, nhất là các trường đại học lớn, các trung tâm công nghệ cao... tại VN.
Theo nhận xét của các doanh nghiệp FDI, hiện nay hạ tầng cơ sở của VN, tuy đã có nhiều tiến bộ song vẫn cần cải thiện hơn nữa, đặc biệt là trong vấn đề cung cấp điện, nước, viễn thông tại các khu công nghiệp. Năm ngoái, Công ty Hoya Glassdish (Nhật Bản) - chuyên sản xuất đĩa cho máy tính xách tay - rất muốn triển khai dự án ở khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tuy nhiên do thời hạn đăng ký hợp đồng với các nhà phân phối rất gấp trong khi nếu chờ được cung cấp nước, điện đầy đủ thì không kịp, nên họ đã chuyển sang khu công nghệ cao Thăng Long.
Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt cho biết, gần đây, VN cũng đã quan tâm rất nhiều tới vấn đề hạ tầng cơ sở. Trong 5 năm tới, VN coi đầu tư hạ tầng là bước đột phá để phát triển bền vững. Thậm chí trong một số lĩnh vực quan trọng như điện, giao thông, cảng biển đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi.
Ông Đạt cũng cho biết, VN đã rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch hạ tầng trong các lĩnh vực điện, cảng biển, đô thị cho phù hợp với tình hình mới để thu hút đầu tư. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị xong 1 danh mục 100 dự án hạ tầng lớn để kêu gọi các nguồn vốn.
VN đủ khả năng vượt qua khó khăn
Theo ông Michael Smith, Tổng giám đốc Ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải (HSBC), trong thời kỳ thay đổi, việc chỉ nhìn thấy khó khăn hơn là cơ hội mới cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ông cho rằng, VN có đủ tiềm năng để không cần thiết phải quá lo lắng về các thử thách.
"VN đã chứng tỏ những triển vọng kinh tế của mình, xếp thứ hai tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc về tăng trưởng GDP năm ngoái và GDP đã tăng gấp đôi trong thập kỷ vừa rồi. VN hội tụ những yếu tố của thành công như trình độ dân trí cao, dân số trẻ, người dân cần cù, chăm chỉ và là những con người rất lạc quan. Có thể nói VN là một trong những thị trường đang phát triển và còn chưa được khai phá", ông Smith nhấn mạnh.
Đối với riêng HSBC, ông Michael Smith nhấn mạnh, HSBC đầu tư vào VN vì nhận thấy tiềm năng của đất nước này và ông đánh giá, VN sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia năng động tại châu Á dù có gia nhập WTO hay không.
Hà Vy