Sáng 10/1 trong ngày thứ 9 làm việc, đại diện VKS bắt đầu tranh luận với các quan điểm bào chữa của hai cựu chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm", chủ tịch Công ty Cổ phần Xây dựng 79, Bắc Nam 79) và 18 bị cáo.
Trước việc cựu chủ tịch UBND Đà Nẵng Trần Văn Minh cho rằng chỉ bán nhà công sản cho các đơn vị đủ điều kiện mua, không biết người thâu tóm là Vũ, hơn nữa cũng không chỉ đạo, bàn bạc để giúp Vũ hưởng lợi, cơ quan công tố giữ nguyên quan điểm truy tố và cho rằng có đủ cơ sở buộc tội. Khi nhận định các bị cáo có sự bàn bạc, VKS đã căn cứ nhiều chứng cứ.
VKS cho biết lời khai của các bị cáo cho thấy Vũ thoả thuận mua bán và trực tiếp quan hệ với lãnh đạo thành phố. Vũ còn hứa sẽ chi tiền cho các doanh nghiệp đứng tên mua giúp. Từ đó, Vũ đã mua được các dự án nhà đất, nhà công sản không qua đấu giá, được giảm hệ số sinh lời và các chi phí khác.
Vũ biết những việc này là trái pháp luật nên mới lập ra nhiều công ty kinh doanh bất động sản, giao cho người đại diện pháp nhân đi ký hợp đồng. Nếu mua nhà khó khăn, Vũ lợi dụng các văn bản trái pháp luật của Bộ Công an. Thực tế là Vũ đã bị xử lý về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ ở vụ án khác.
Vũ và các bị cáo khác đã câu kết thực hiện hành vi phạm tội có hệ thống trong thời gian dài, chung mục đích, VKS nêu quan điểm.
VKS bác quan điểm của nhiều luật sư cho rằng nhóm bị cáo là lãnh đạo Đà Nẵng thực hiện theo trình tự có sẵn của cả một hệ thống chứ không bàn bạc, không đồng phạm. Cựu chủ tịch Trần Văn Minh thực hiện đúng chủ trương, sáng tạo, góp phần vào sự phát triển của thành phố.
VKS khẳng định các bị cáo không khai báo có bàn bạc nhưng vẫn đủ cơ sở chứng minh. Không phủ nhận sự phát triển kinh tế những năm qua của Đà Nẵng song VKS cho rằng sự sáng tạo mà ông Minh lập luận là "điều không thể chấp nhận". Nhóm bị cáo là lãnh đạo dù mỗi người làm một việc nhưng vẫn thực hiện theo chủ trương của người đứng đầu. Nhiều bị cáo biết thực hiện là trái pháp luật mà vẫn làm theo chỉ đạo.
Về xác định thiệt hại, VKS cho biết 22 nhà đất công sản, 7 dự án đều nằm ở trung tâm, có giá trị cao nên từ khi các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội đến lúc bị khởi tố, giá đất đã tăng lên nhiều lần. Do đó, VKS căn cứ định giá tài sản xác định từ khi sai phạm đến lúc khởi tố để xác định thiệt hại, tổng cộng hơn 22.000 tỷ đồng.
Hơn nữa, nhà nước còn bị thiệt hại khi lãnh đạo Đà Nẵng cho Vũ được giảm 10% tiền sử dụng đất nếu nộp đủ tiền trong 30 ngày. Đối đáp với quan điểm bào chữa cho rằng đây là "chủ trương sáng tạo", VKS nói: Chủ trương không thể đứng trên pháp luật.
Với hai dự án và hai nhà công sản liên quan tới các văn bản Bộ Công an, VKS khẳng định những người soạn thảo ký ban hành và sử dụng văn bản này đã bị xét xử cùng Vũ ở vụ án khác. Các bị cáo không thể sử dụng văn bản vi phạm để biện minh cho quyết định sai phạm, công tố viên đối đáp.
Sáng nay, trong phần những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tự tranh luận, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ bị cáo Vũ) nói "ước gì phiên toà không diễn ra", bởi chồng và em trai vướng lao lý.
Trình bày về tài sản đang bị kê biên từ khi điều tra vụ án, bà Hiền cho rằng tất cả tài sản đều có sự đóng góp, hy sinh của vợ chồng. Mảnh đất số 22 Tô Giang, bà mua từ tiền tích cóp cá nhân và vay khấu chi khi là cán bộ ngân hàng nên "đây là tài sản của bà". Bà Hiền xin HĐXX xem xét đến quyền lợi cá nhân của mình.
Nói sau bà Hiền, Phan Anh Hạnh Trinh (em gái bị cáo Phan Văn Anh Vũ) mong HĐXX xem xét bảo vệ quyền lợi của bà tại lô đất 20 Bạch Đằng và 34 Hoàng Văn Thụ. Đây là tài sản mang tên cá nhân bà và được mua hợp pháp, chuyển khoản, đóng thuế đầy đủ và không liên quan bị cáo Vũ trong vụ án.
Phiên tòa chiều nay tiếp tục với phần đối đáp.