Đến hết tháng 10 năm nay, Vĩnh Phúc giải ngân xong 5.300 tỷ đồng vốn đầu tư công, bao gồm hơn 1.300 tỷ đồng vốn từ năm 2020 kéo dài chuyển sang thanh toán năm 2021. Khối lượng này đạt gần 80% kế hoạch do Trung ương giao và bằng 43% kế hoạch của địa phương. Đây cũng là tỷ lệ giải ngân của tỉnh cùng kỳ năm 2020 và tương đương tình hình chung của cả nước.
Do 2021 là năm đầu tiên của kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2022-2025, kế hoạch đầu tư công năm 2021 chủ yếu bố trí vốn cho các dự án khởi công mới trong khi công tác chuẩn bị nên còn chậm, dẫn đến phân bổ vốn chậm.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai các dự án. Một số dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường.
Khối lượng giải phóng mặt bằng cũng mới xong gần 490 ha trên tổng số 886,2 ha, đạt hơn 55% kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản còn chồng chéo, liên tục thay đổi và những ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các dự án.
Theo tính toán của Vĩnh Phúc, số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2021 không thể giải ngân hết là hơn 3.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn đầu tư thuộc một số dự án có quy mô lớn, như quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc; chương trình phát triển các đô thị loại II; cầu Đầm Vạc; hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh; cải tạo nâng cấp ĐT.310C, đoạn từ QL2C đến QL2B...
Tỉnh sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Cùng với đó, việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, đẩy nhanh tiến độ bồi thường cũng được ưu tiên.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, khắc phục những khó khăn về thiếu hụt nguồn lực.
Thành Dương