Tăng trưởng kinh tế trên hai con số
Tính từ giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Vĩnh Phúc luôn trên hai con số, bình quân tăng 13,44% một năm. Trong đó, công nghiệp xây dựng tăng 20,13% một năm (riêng công nghiệp tăng 21,4%); dịch vụ tăng 9,7% và ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,85% một năm.
Quy mô giá trị tăng thêm theo giá hiện hành, năm 2020 đạt 123.600 tỷ đồng đồng đứng thứ 14 cả nước, đứng thứ 6 trong vùng đồng bằng sông Hồng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 105,5 triệu đồng (tương đương 4.500 USD), cao gấp 1,73 lần so với mức trung bình của cả nước. Nhờ đó, Vĩnh Phúc đứng thứ 5/11 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 10/63 tỉnh/thành phố cả nước về chỉ số này.
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực. Khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Ước tính năm 2021 tỷ trọng khu vực này chiếm đến 63,74% tổng giá trị tăng thêm của ba khu vực kinh tế (công nghiệp xây dựng, dịch vụ và nông, lâm thủy sản), so với thời điểm năm 1997 tỷ trọng khu vực này là 18,4%. Hai khu vực kinh tế còn lại là dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản đều theo chiều hướng giảm.
Điểm đến của đầu tư FDI
Vĩnh Phúc xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để phát triển. Từ đó, tỉnh đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, triển khai và duy trì thường xuyên chương trình kết nối với doanh nghiệp.
Năm 1998 Vĩnh Phúc chỉ có 8 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI). Đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư như Mỹ, Nhật, châu Âu. 824 dự án DDI với tổng vốn gần 110.000 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp toàn tỉnh là 13.000 (tăng 141 lần so với năm 1997) với số vốn đăng ký đạt trên 150.000 tỷ đồng. 70% doanh nghiệp đăng ký đang hoạt động, đóng góp đáng kể vào thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động.
Cơ sở hạ tầng nâng cấp
Hệ thống giao thông, hạ tầng nói chung cũng là điểm nhấn sau 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc. Nhiều lĩnh vực có nền tảng hạ tầng cơ bản vượt trội so với các tỉnh lân cận.
Toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh. Thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và các đô thị khác thuộc các huyện. Tỷ lệ dân số đô thị khoảng 46%.
Nhiều dự án lớn, trọng điểm không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của Nhân dân mà còn tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc như: Công viên quảng trường Hồ Chí Minh; Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc; khu công viên giải trí thành phố Vĩnh Yên; khu công viên cây xanh các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc; nâng cấp, sửa chữa hạ tầng các khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải; đường giao thông kết hợp đê ngăn nước Đầm Vạc; cầu Đầm Vạc.
Thành Dương