Theo Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, năm 2021, Vĩnh Phúc xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố về kết quả tổng thể xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh. Trong đó chính quyền số xếp thứ 52/63, kinh tế số xếp thứ 42/63, xã hội số xếp thứ 56/63.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số còn nhiều hạn chế, tương xứng với nhu cầu và tiềm năng về kinh tế - xã hội của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang nhấn mạnh, Vĩnh Phúc sẵn sàng nguồn lực để triển khai chuyển đổi số. Trong năm 2022, địa phương sẽ ban hành các cơ chế chính sách cụ thể liên quan tới chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tỉnh cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cử chuyên gia hỗ trợ, giúp triển khai hiệu quả lộ trình này.
Trước mắt, Vĩnh Phúc sẽ ưu tiên 18 nhiệm vụ về chuyển đổi số, tập trung phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân. Mục tiêu đến hết năm 2022, tối thiểu 70% hộ gia đình có cáp quang, phủ sóng băng rộng di động tới 100% thôn/bản, số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt tối thiểu 85 thuê bao. Ngoài ra, các hoạt động bổ trợ nguồn lực cũng được triển khai như đào tạo lại nhân lực; phân bổ kinh phí; quản lý kinh phí chi cho chuyển đổi số; kiện toàn tổ chức, bộ máy, mạng lưới đến cấp cơ sở; chính sách dữ liệu.
Qua nhiều năm đẩy mạnh chuyển đổi số, đến nay tất cả đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp tỉnh, huyện, xã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 95% cán bộ công chức cấp huyện và 80% cán bộ công chức cấp xã đã được trang bị máy tính để làm việc.
Trung tâm Hạ tầng thông tin của tỉnh và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đều có trung tâm dữ liệu vận hành hiệu quả các ứng dụng và cơ sở dữ liệu trên địa bàn. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang hóa 100%, kết nối đến tất cả các xã, phường, thị trấn.
Toàn tỉnh có 2.888 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G. Rất nhiều ứng dụng thường xuyên được sử dụng đã tạo ra dữ liệu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuyên môn, nghiệp vụ thời gian qua.
Thành Dương