20h giờ tối 20/1, nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đã có mặt tại Nhà hát lớn Hà Nội dự Lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture, trong đó có những cái tên đã đóng góp to lớn cho nhân loại trong cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu như nhà khoa học Katalin Kariko, Giáo sư miễn dịch học Drew Weissman, Giáo sư Pieter R. Cullis - những người đứng sau công nghệ mRNA điều chế vaccine Covid-19 (công nghệ gốc của Pfizer, Moderna)...
Tổ chức mùa đầu tiên, giải thưởng thu hút sự chú ý của giới khoa học toàn cầu khi tôn vinh những công trình khoa học kiệt xuất có tính ứng dụng cao, tạo ra thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. VinFuture trao 4 giải thưởng có giá trị lên tới 4,5 triệu USD. Trong đó, giải chính - VinFuture Grand Prize trị giá 3 triệu USD, gần gấp 3 giải Nobel.
Buổi lễ diễn ra trong khán phòng ấm cúng, Hội đồng giải thưởng cũng giản tiện mọi lễ nghi rườm rà thường thấy ở những chương trình quy mô thế giới. Công bố giải thưởng, giới thiệu video đề án nghiên cứu đều do 2 MC thực hiện nhanh gọn. Tại đây, theo đúng nghĩa các nhà khoa học, với các công trình nghiên cứu tầm cỡ - là trung tâm của sự tôn vinh.
"Mùa đầu tiên, giải thưởng đã ghi nhận sự tham gia từ 70 quốc gia, với 600 dự án tranh giải, trong đó có gần 100 dự án từ top 2% nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, hơn 1/3 ứng viên là nhà khoa học nữ, nhiều trong số đó đạt được nhiều giải thưởng cao quý trên thế giới. Đây là tín hiệu tích cực của một giải thưởng lớn và uy tín", Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chào mừng sự kiện.
Ông cũng nhấn mạnh, Việt Nam coi phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu nhằm phát triển kinh tế xã hội, phát triển nhanh bền vững, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Sau nhiều tháng chờ đợi, giải thưởng chính - hạng mục quan trọng nhất của VinFuture vinh danh tác giả của nghiên cứu đột phá, các sáng chế công nghệ đã được chứng minh có khả năng làm cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn và cải thiện môi trường sống bền vững cho những thế hệ tương lai. VinFuture Grand Prize đã xướng tên 3 nhà khoa học gồm Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Rutter Cullis với công nghệ vaccine mRNA cứu sống hàng triệu người.
Sau lời công bố của MC, toàn thể khán phòng đã đứng dậy dành tràng vỗ tay dài chúc mừng đến 3 nhà khoa học đạt giải VinFuture mùa đầu tiên.
Giải thưởng chính VinFuture đánh giá cao công trình nghiên cứu nền tảng với hai thành tố chính tạo nên vaccine mRNA là lõi mRNA biến đổi và vỏ bọc nano lipid hiệu quả, để ổn định và tăng hoạt tính của mRNA. Dựa trên thành tựu của các nhà khoa học trong nhiều năm nghiên cứu, vaccine mRNA phòng chống Covid-19 đã được phát triển trong thời gian kỷ lục, bảo vệ hàng trăm triệu người, không chỉ giúp nhân loại ứng phó Covid-19 mà còn mở ra cơ hội điều trị ung thư, bệnh tim, các bệnh truyền nhiễm khác. Hàng tỷ người trên thế giới đã được thụ hưởng thành quả của nghiên cứu này, được bảo vệ an toàn. Nền kinh tế của hàng loạt quốc gia nhờ đó không chìm sâu trong khủng hoảng.
"Công nghệ mới mở ra những vaccine mới cho nhiều bệnh tật khác nhau, đồng thời khởi đầu cho sự hợp tác giữa nhiều quốc gia. Tôi không phải người nhận giải thưởng này mà hàng nghìn nhà khoa học đi trước và đi sau tôi sẽ tiếp bước những nghiên cứu này, tạo ra nhiều phương pháp chữa bệnh mới", ông Drew Weissman - một trong ba nhà khoa học bày tỏ khi nhận giải.
Bên cạnh giải thưởng chính, giải thưởng VinFuture còn gồm 3 giải đặc biệt dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, mỗi giải trị giá 500.000 USD.
Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực mới được trao cho Giáo sư Omar M.Yaghi - nhà khoa học người Mỹ gốc Jordan, với công trình nghiên cứu về vật liệu khung cơ kim (Metal-Organic Frameworks hay MOFs). Đây là nhóm vật liệu mới được làm từ kim loại và các hợp chất hữu cơ, mang lại bước tiến mới trong cuộc cách mạng trong hóa học khi có nhiều ứng dụng tiềm năng trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi khí phát thải carbon, lọc nước, lọc không khí, xúc tác và cảm biến.
Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ thuộc về Giáo sư Zhenan Bao, nhà khoa học người Mỹ gốc Trung. Zhenan Bao nghiên cứu về da điện tử siêu co giãn như da thật, có thể tự phân hủy, tự chữa lành vết thương, cấy được vào cơ thể người. Bà phát triển bán dẫn công nghệ cao có thể bắt chước như da thật, cảm giác đau đến não.
Giải cho nhà khoa học từ nước đang phát triển trao cho hai vợ chồng nhà khoa học từ Nam Phi, bà Salim Abdool Karim và ông Quarraisha Abdool Karim, với phát minh gel có chứa dược chất Tenofovir - sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV. Thử nghiệm lâm sàng đã mang lại kết quả đột phá. Thuốc kháng virus có chứa dược chất như gel tenofovir giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Nghiên cứu này đã mang lại bằng chứng đầu tiên cho phương pháp mới trong việc ngăn ngừa HIV, dự phòng trước phơi nhiễm.
Xen kẽ mỗi phần công bố, trao giải là phần trình diễn nghệ thuật đặc sắc của các nghệ sĩ hàng đầu thế giới. Thiên tài piano, NSND Đặng Thái Sơn với tiếng dương cầm đầy cảm xúc trong tác phẩm của Chopin, hay bài "Trống cơm". Ông nhận tràng pháo tay tán thưởng dài của khán phòng. Huyền thoại âm nhạc người Mỹ John Legend gửi đến 3 bài hát tiếng Anh với giai điệu vui tươi mang thông điệp về giấc mơ hạnh phúc của mỗi người. Bản sắc Việt với áo dài, nón lá cũng được giới thiệu đến giới khoa học thế giới thông qua màn múa "Nàng sen" do NSƯT Linh Nga và vũ đoàn thể hiện. Đêm vinh danh khoa học - công nghệ VinFuture khép lại bằng món quà đặc biệt là giai điệu bất hủ trong trích đoạn "Bản giao hưởng số 9 Beethoven" với sự trình diễn của dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, do Nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy.
Giải thưởng VinFuture sẽ được tổ chức hàng năm, tôn vinh các phát minh khoa học công nghệ đột phá, có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. VinFuture mở ra cơ hội kết nối trí tuệ giữa giới khoa học, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, hội tụ các nguồn lực để cùng chung tay thúc đẩy quá trình thương mại hóa, đưa các ý tưởng nghiên cứu vào phục vụ đời sống một cách thiết thực, hiệu quả, theo mục tiêu khoa học phụng sự nhân loại mà giải thưởng đề ra.