- Trải nghiệm lần đầu làm việc với một êkip Việt của anh thế nào?
- Trước khi tới Việt Nam, tôi từng băn khoăn về đội ngũ cascadeur (diễn viên chuyên đóng cảnh mạo hiểm) – những người sẽ làm việc trực tiếp với tôi. Khi gặp gỡ nhóm cộng sự trong tuần làm việc đầu tiên tại Sài Gòn, tôi rất có thiện cảm. Họ thân thiện, dễ mến và giàu đam mê. Sau bài kiểm tra trình độ, tôi thấy thứ mà họ đang thiếu chính là môi trường mới. Họ trước giờ chỉ hoạt động trong nước, chưa có cơ hội cọ xát với những dự án tầm cỡ quốc tế nên năng lực còn chút giới hạn. Tôi bắt đầu huấn luyện họ sau đó, từ cơ bản cho đến chuyên sâu. Sau bốn tuần tập luyện, họ đã đạt tới trình độ mà tôi mong muốn cho bộ phim lần này.
- Lối làm hành động anh muốn trong dự án quay ở Việt Nam của anh là gì?
- Tôi luôn đề cao tính chân thực của các cảnh quay hành động - đánh đấm thật sự chứ không dựa nhiều vào kỹ xảo. Tôi trung thành với lối xử lý này trong phim mới. Đạo diễn Victor Vũ cũng muốn mọi thứ chân thực đến mức có thể. Bởi nếu muốn giữ chân khán giả, bạn sẽ phải khiến họ đồng cảm với những gì đang diễn ra trên màn ảnh.
Công nghệ bây giờ tiên tiến đến mức có thể tạo ra lửa như thật. Nhưng tôi vẫn nói với mọi người rằng, hành động chân thực sẽ luôn có chỗ đứng. Kỹ xảo không bao giờ có thể mang lại cho người xem cảm xúc như con người. Chúng tôi diễn xuất, biểu cảm, sử dụng tất cả các giác quan của mình để đem đến những trải nghiệm chân thực nhất. Nếu diễn viên bị thương, họ cũng phải cảm nhận được điều đó.
- Anh nhận thấy điều gì trong các phim hành động Việt hiện nay?
- Tôi chưa xem phim hành động nào của Việt Nam nhưng biết đến chúng qua các trích đoạn giới thiệu. Tôi phải nói là tôi không thích chúng cho lắm. Tôi có thể thấy rõ sự cóp nhặt từ các tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc hay Hollywood. Tôi nghĩ các nhà làm phim nên học tập, kế thừa rồi sáng tạo hơn là sao chép.
Tôi thấy thị trường phim ảnh Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ. Ngày càng có thêm những ý tưởng mới, thêm nhiều đạo diễn muốn hiện thực hoá chúng. Tôi thấy với tốc độ này, việc bắt kịp thị trường quốc tế là điều hoàn toàn không xa vời. Quan trọng là các bạn phải tiếp tục học hỏi, trau dồi và cọ xát.
- Theo anh, hướng đi nào là tốt nhất cho những phim hành động kinh phí thấp như tại Việt Nam?
- Nhiều đạo diễn nổi tiếng ví việc làm phim kinh phí thấp như chơi với thuốc nổ vậy. Chỉ dùng ít nguyên liệu nhưng nếu biết giới hạn không gian nổ, vẫn có thể tạo nên sức ép lớn. Một dự án kinh phí thấp càng cần sự quản lý chặt chẽ và êkíp thông minh. Điều đó giúp thúc đẩy hiệu quả tinh thần, trình độ cũng như năng suất làm việc của mọi bộ phận - từ quay phim, thiết kế bối cảnh cho tới phục trang, hóa trang. Tôi thấy các đồng nghiệp Việt Nam mà tôi đã được làm việc cùng đều rất tài năng, chăm chỉ và tận tụy.
- Hai bom tấn anh vừa tham gia trước khi đến Việt Nam - "Doctor Strange" và "The Great Wall" - cho anh trải nghiệm những gì?
- Tôi bắt đầu với Doctor Strange vào những ngày đầu tháng chín năm 2015. Vai trò của tôi là điều phối viên hành động cho êkíp ở Anh Quốc. Trước khi bắt đầu ghi hình, chúng tôi ngồi lại thiết kế trước các phân cảnh trên máy vi tính giống như những phim trước của Marvel. Nếu ưng kết quả sơ bộ, chúng tôi mới tiến hành ghi hình ngoài đời thực. Dưới sự hỗ trợ của năm bạn trợ lý, tôi giúp thiết kế các pha hành động, huấn luyện diễn viên, đặc biệt là Benedict Cumberbatch và Tilda Swinton, theo sát họ mỗi ngày trong bảy tháng.
Về phần The Great Wall, đây là bộ phim Trung Quốc đầu tiên mà tôi tham gia. Tôi đã rất háo hức khi đây là lần đầu tiên được làm việc với một vị đạo diễn người Trung Quốc, chưa kể đó còn là Trương Nghệ Mưu. Nhóm của tôi có khoảng 80 người, được chia ra làm hai nhóm nhỏ gồm người Mỹ và người Trung. Do rào cản ngôn ngữ nên mới đầu hai nhóm còn gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp. Nhưng tình hình dần được cải thiện qua 11 tháng làm việc liên tục. Với tôi, The Great Wall là một trải nghiệm hoàn toàn mới vì quy mô khổng lồ của nó. Tôi đã học hỏi được để thiết kế những cảnh hành động hấp dẫn với số lượng diễn viên lớn.
- Hơn 15 năm theo đuổi nghiệp cascadeur và chỉ đạo hành động ở Hollywood, bộ phim nào đáng nhớ với anh nhất?
- Đó là Tomorrow Never Dies - một trong hai phim điện ảnh về James Bond có sự tham gia của tài tử Pierce Brosnan. Ở thời điểm đó, tôi mới bước chân vào nghề dưới vai trò diễn viên đóng thế và may mắn được làm việc trực tiếp với nữ diễn viên Dương Tử Quỳnh. Trong ba tháng ghi hình, chúng tôi thường xuyên trao đổi trong các bữa ăn, đôi khi còn hẹn nhau ngoài giờ làm. Cô ấy luôn kể cho tôi những câu chuyện, kinh nghiệm của bản thân. Bên cạnh Dương Tử Quỳnh, tôi còn trở nên thân thiết với vợ chồng tài tử Pierce Brosnan. Họ đã giúp tôi có thêm hiểu biết về lĩnh vực phim ảnh, là bước đệm vững chắc giúp tôi được như ngày hôm nay.
- Anh từng gặp phải tai nạn nguy hiểm nào trong sự nghiệp đóng thế và chỉ đạo hành động của mình?
- Tôi từng bị rơi từ trên cao khi quay tác phẩm The Golden Compass của Nicole Kidman và Daniel Craig. Địa điểm ghi hình là tại những dãy núi phủ đầy băng tuyết của Thuỵ Sỹ. Chúng tôi phải di chuyển hàng ngày trên một chiếc trực thăng nghèo nàn khiến ai cũng phải run sợ. Bối cảnh nguy hiểm tới mức chúng tôi luôn phải đeo đai bảo hộ quanh mình. Trong một lần di chuyển, do thiếu ôxy nên tôi đã hụt hơi và trượt chân rơi xuống. Lần đầu tiên trong đời, tôi không thể làm chủ cơ thể mình và cứ thế rơi xuống. Tôi cảm thấy cái chết đang cận kề, giống như những gì các bạn thường thấy trên màn ảnh vậy.
Vincent Wang làm việc ở Hollywood từ 1997. Đi lên từ nghề đóng thế, anh từng được biết đến với các vai phi công MiG trong tập phim Tomorrow Never Dies và vệ binh ở Tử cấm thành trong Shanghai Knights. Từ đầu thập niên 2000, anh đóng thế cho nhiều bom tấn - trong đó có The Bourne Ultimatum, Skyfall và Captain America: The First Avenger. Những năm trở lại đây, anh là chuyên gia chỉ đạo hành động cho các phim Doctor Strange, The Great Wall, Now You See Me, Dracula Untold... |
Ân Nguyễn