Thông tin này được ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết tại họp báo chiều 23/12.
Tập đoàn này vẫn ghi nhận doanh thu hơn 16.430 tỷ đồng, tăng 11% so với 2020 và lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ. Mức lãi này cũng cao hơn năm 2019, thời điểm trước dịch, tới 70%.
"Kết quả đạt được nằm ngoài các dự báo, tập đoàn vẫn duy trì được khách hàng và tăng trưởng rất tốt bất chấp dịch bệnh. Có những chỉ tiêu tăn gấp đôi so với trước dịch", Tổng giám đốc Vinatex nói.
Về mức lợi nhuận tăng cao bất chấp dịch bệnh, ông Cao Hữu Hiếu giải thích, chủ yếu đến từ nguyên nhân khách quan khi cầu trên thế giới với ngành may mặc tiêu dùng tăng và giá đơn hàng trong năm 2021 cũng tốt hơn so với trước.
Cùng đó, nhờ tăng trưởng tốt nên ngành sợi khi năng lực sản xuất tăng gấp rưỡi, doanh thu tốt... nên đã đóng góp tới một nửa lợi nhuận của Vintatex. "Cơ cấu trước đây lợi nhuận từ may chiếm 80%, sợi 20% trong cơ cấu chung của tập đoàn, thì giờ tỷ trọng này là 50-50, thậm chí sợi đang "nhỉnh" hơn", ông Hiếu chia sẻ.
Lý do nữa là Vinatex đã tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, dù chịu nhiều tác động từ dịch nhưng vẫn duy trì sản xuất ổn định.
Tập đoàn này đang hướng tới mục tiêu trở thành "một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang". Giai đoạn 2022 - 2025 hình thành năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành hàng dệt kim, đáp ứng yêu cầu ban đầu của các chuỗi cung ứng quy mô lớn của thế giới, trên nền tảng của ngành sợi đã khá phát triển trong 5 năm qua, cùng ngành may có quy mô và uy tín trên thị trường.
Tính chung với ngành dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 39 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2020 và bằng ngưỡng trước dịch, năm 2019. Việt Nam vẫn giữ được vị trí top 3 các nước xuất khẩu dệt may và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.
Anh Minh