Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng hiện là Trưởng Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin. Ảnh: Hoàng Hà
- Đề nghị Phó thủ tướng cho biết quá trình tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đã đạt những kết quả gì?- Trong giai đoạn đầu của quá trình tái cơ cấu, mình cố gắng cơ cấu lại sản xuất, điều chỉnh những lĩnh vực làm ăn không hiệu quả và từng bước đẩy lùi khó khăn. Các đơn hàng đang được thực hiện trở lại, không còn tình trạng bị hủy. Vừa rồi Vinashin đã giao được mấy con tàu cho khách hàng, đóng được thêm một số thiết bị phụ trợ. Người lao động yên tâm, vì có công ăn việc làm. Mà chúng ta cũng không mất đi đội ngũ công nhân được đào tạo chuẩn về đóng tàu.
Chúng ta cũng đã thay được một số lãnh đạo tập đoàn. Từ lãnh đạo cấp cao, sẽ thay lãnh đạo dưới nữa, tạo ra cách làm ăn, quản trị mới.
Tới đây chúng ta sẽ làm bước hai, chắc cũng nhanh thôi. Trong tháng này, hoặc chậm nhất đầu tháng sau, sẽ ra mắt một Vinashin mới, với ngành nghề chính là đóng tàu và một số ngành nghề phụ trợ. Mục tiêu mà Bộ Chính trị đặt ra là vẫn phải phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, trong đó Vinashin chỉ làm những con tàu chủ lực và mời gọi sự tham gia của nước ngoài, tư nhân. Vinashin sẽ không phải làm tất cả, mà chỉ là chủ lực để đóng và sửa chữa những con tàu lớn, có thể tham gia vào công nghiệp tàu thủy của quốc phòng để sau này tiến tới làm những con tàu phục vụ chiến đấu.
- Theo Phó thủ tướng, các bước tái cơ cấu vừa rồi có được như mong muốn?
- Mọi việc đang từng bước đi theo kế hoạch.
- Vậy trong quá trình đó có những gì khó khăn?
- Vinashin mất cân đối rất nghiêm trọng, đấy là khó khăn. Khi tái cơ cấu, chúng ta phải giải quyết cùng một lúc ba việc, một là ổn định sản xuất, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra và còn phải xử lý nợ nần. Những khoản nợ đến hạn cần tính toán, đàm phán. Mà đàm phán với chủ nợ đâu có dễ.
Trong khi đó, chúng ta lại phải chỉnh đốn đội ngũ, sửa đổi cách thức quản trị và thay đổi mô hình hoạt động. Rồi còn phải chỉnh đốn quản lý nhà nước, thanh tra thế nào, giám sát thế nào, quản lý chủ sở hữu thế nào. Trước đây phân cấp quá rộng cho ông ấy. Phân cấp như thế thì ông ấy cứ làm, nhưng mình đưa tay với xuống mà không chặt. Những cái đó phải sửa lại. Khi Vinashin mới ra đời, phải có bản điều lệ mới, quy chế tài chính mới, với cách thức quản trị, làm ăn mới. Tất cả những việc này phải làm đồng bộ, đó là cái khó.
- Cụ thể các khoản nợ của Vinashin sẽ được xử lý theo hướng nào?
- Có thể đàm phán để giãn thời hạn trả nợ, lùi lại, chuyển nợ cũ thành nợ mới để có thêm thời gian. Nhưng thế nào rồi cũng phải trả. Trả bằng cách khôi phục sản xuất kinh doanh, làm ăn được, đóng tàu được và bán được thì có tiền trả nợ. Bên cạnh đó sẽ cơ cấu lại, cổ phần hóa bớt, bán bớt tài sản hiện nay để lấy tiền trả. Biết làm như vậy sẽ có thiệt hại, nhưng chúng ta sẽ cố gắng hạn chế tối đa. Cái nào có lợi thì cố gắng làm lợi hơn, cái nào thua rồi đành phải chịu, phải cho phá sản. Hơn 200 doanh nghiệp con có thể cho phá sản hoặc bán đi.
Chúng ta từng xử lý những vụ tương tự như Epco Minh Phụng hay Huy Hoàng. Có hai cách giải quyết, nhưng tốt hơn là chúng ta cơ cấu lại nợ để tái tạo tài sản và phát triển.
- Sau thời gian sâu sát tình hình thực tế tại tập đoàn, liệu đến nay đã có thể nắm rõ tất cả những căn bệnh mà trước đây Vinashin không báo cáo thành thật với Chính phủ?
- Bây giờ Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin có từng tổ chức năng riêng, trong đó một tổ chịu trách nhiệm về cơ cấu tài chính, một tổ về sản xuất đầu tư và tổ chuyên giám sát. Chúng ta đặt cả người ở dưới đó, lại còn thay đổi nhân sự nữa, nên nắm mọi chuyện chắc hơn. Tất nhiên là mới nắm chắc hơn tình hình sổ sách. Còn thực tế thế nào phải tiếp tục kiểm toán, đánh giá.
Hôm 19/10, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã có gửi tới các đại biểu Quốc hội bản báo cáo dài 18 trang về thực trạng Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Trong đó cho biết năm 2009, Vinashin đã kinh doanh thua lỗ tới 1.600 tỷ đồng. Năm 2010, dự kiến ẽ tiếp tục thua lỗ. Đến tháng 6/2010, tổng số nợ của tập đoàn là 86.000 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn khoảng 45.000 tỷ đồng, nợ đến hạn phải trả là 14.000 tỷ đồng. Tính chung, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên đến gần 11 lần, khiến tập đoàn rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, tập đoàn đã không báo cáo trung thực về thực trạng của mình, trong năm 2009 vẫn báo lãi 750 tỷ đồng và quý I năm nay vẫn báo lãi gần 100 tỷ đồng. |
Song Linh