Trước đó, vào tháng 7/2011, Thủ tướng đã yêu cầu 4/9 cổ đông gồm VNPT (góp 4%), Sông Đà (5%), BIDV (5%) và Vinashin (5%) thoái vốn tại Dự án Mỏ sắt Thạch Khê (TIC) để tập trung nguồn vốn cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính.
Vào năm 2007, TIC được thành lập với vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng, được góp bởi 4 cổ đông trên và 5 đơn vị khác gồm Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (30%), Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (24%), Tổng công ty Thép Việt Nam (20%), Công ty TNHH Sản xuất – Xuất khẩu Bình Minh (4%) và Công ty cổ phần Khoáng sản và luyện kim Thăng Long (3%).
Vinashin, VNPT, BIDV, Sông Đà đã rút khỏi dự án mỏ sắt Thạch Khê |
Theo ông Bùi Quang Chuyện - Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công thương, dự kiến đầu tháng 11 tới TIC sẽ tổ chức đại hội cổ đông nhằm thực hiện việc tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất. Đến nay, TIC vẫn chưa bán được tấn quặng sắt nào ra thị trường. Trong quá trình bốc đất đá chuẩn bị mỏ thời gian qua, chỉ tận thu được 5.000 tấn quặng.
Ông Chuyện cũng cho biết thêm, mặc dù theo kế hoạch 2 – 3 năm nữa mỏ sắt Thạch Khê mới khai thác chính thức, nhưng đã có một số doanh nghiệp ngành thép như Hòa Phát, Thái Nguyên, Vạn Lợi muốn mua nguồn quặng sắt từ mỏ này.
TIC từng lên kế hoạch khai thác khoảng 1 triệu tấn quặng sắt từ mỏ Thạch Khê mỗi năm, nhằm giúp doanh nghiệp này thu về khoảng 700 tỷ đồng để có vốn tái đầu tư. Trước mắt trong năm 2012 sẽ khai thác khoảng 200.000 tấn.
Tuy nhiên, hôm nay, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết do một số doanh nghiệp thép như Vạn Lợi, Đình Vũ, Hòa Phát gặp khó khăn trong sản xuất nên chưa thể mua quặng từ mỏ sắt Thạch Khê như dự định trước đây.
Do vậy, việc tiêu thụ sản phẩm quặng sắt của mỏ Thạch Khê có thể gặp khó khăn.
Mỏ sắt Thạch Khê được xem là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nằm cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 8 km về phía Đông Bắc với tổng sản lượng quặng khai thác lên đến gần 400 triệu tấn.
Theo TBKTSG