Những rối ren tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đang là chủ đề sau khi Chính phủ gửi báo cáo chi tiết tới các đại biểu Quốc hội chiều qua.
- Với khoản nợ lên tới hơn 85.000 tỷ đồng và không có khả năng chi trả, theo ông, tại sao không để Vinashin tuyên bố phá sản?
- Đứng về mặt khoa học kinh tế thì Nhà nước đã cho Vinashin phá sản rồi, có điều không tuyên bố thôi. Việc chuyển đổi một số ngành nghề kinh doanh sang doanh nghiệp khác, cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình quản lý, tính toán lại nợ… là những biểu hiện.
Vinashin đang được cho phá sản theo kiểu đặc thù của Việt Nam. Ảnh: K.L |
Tuy nhiên, Vinashin là một tập đoàn nhà nước mà Chính phủ là chủ sở hữu. Nên cách ứng xử phải khác. Tập đoàn ấy còn liên quan đến 7 vạn lao động đang làm việc tại đây. Thêm vào đó, phải đặt việc phá sản trong bối cảnh của năm 2010 khi mà quỹ bảo hiểm thất nghiệp mới hình thành năm 2009 và hiện giờ thì vẫn chưa đủ thời gian để hình thành nguồn để chi trả.
Khi tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp không chịu trách nhiệm về những khoản lỗ, cũng như các vấn đề gì nảy sinh tiếp theo với doanh nghiệp nhưng với Vinashin thì không thể làm thế. Với cách phá sản đặc thù của Vinashin, người lao động không bị đẩy ra đường, các khoản nợ ngân hàng vẫn được đảm bảo… và Chính phủ vẫn đảm bảo được sự ổn định vĩ mô.
- Trong quá trình tái cơ cấu, Vinashin chuyển một số khoản nợ sang Petrovietnam và Vinalines khiến nhiều người lo ngại đây là hình thức chuyển nợ cho doanh nghiệp nhà nước khác trả thay Chính phủ. Ông nghĩ sao?
- Cũng không hẳn thế. Việc chuyển nợ kèm theo nhiều việc khác là hình thức để chuyên môn hóa cho Vinashin. Trước đây, mọi người cứ phê phán Vinashin kinh doanh đa ngành, rời xa ngành chính thì bây giờ tách ra chỉ tập trung vào chuyên môn của họ thôi. Các ngành khác thì chuyển sang doanh nghiệp có lợi thế hơn trong kinh doanh.
- Nhưng khi chuyển như vậy thì bản thân các khoản nợ cũng chưa rõ ràng, tại sao không kiểm toán trước rồi mới chuyển?
- Giống như nhà có 3 người con, một người bị bệnh thận, ông bố bảo 2 người còn lại góp tiền để đưa đi thay thận. Lúc đó thì không nên hỏi kiểu: “Nếu con bỏ ra 10 triệu đồng nhỡ em không trả được thì sao?”. Cùng một chủ sở hữu cả nên cũng không cần thiết phải làm việc đó.
- Trong vụ việc tại Vinashin, báo cáo giám sát của Quốc hội đã có cảnh báo nhưng rồi những sự việc sai phạm vẫn tiếp diễn. Trách nhiệm của Quốc hội đến đâu?
- Trong báo cáo giám sát về quản lý vốn của tập đoàn năm 2009, tổ giám sát có nói rõ là phải tiến hành cơ cấu lại và ban hành luật quản lý vốn và tài sản nhà nước. Tuy nhiên, khi biểu quyết thì Quốc hội không thông qua. Ở đây, Quốc hội cũng có lỗi.
- Như vậy thì trách nhiệm của tổ giám sát ra sao?
- Việc đưa ra vấn đề đúng nhưng không thuyết phục được Quốc hội thì phải xem xét lại phương pháp thuyết phục của người được giao nhiệm vụ đó. Phương pháp thuyết phục có thể chưa đúng. Một ví dụ hiển nhiên là thấy đèn đỏ phải dừng lại theo luật để đảm bảo an toàn cho mình và nhiều người khác, nhưng nhiều người vẫn vượt qua đèn đỏ.
Hoàng Ly