![]() |
Vinashin tuyên bố khả năng trả nợ trong tầm tay. |
Đợt phát hành được đánh giá là thành công, lệnh đặt mua tới 4,5 tỷ USD, gấp 6 lần giá trị phát hành. Lãi suất thấp hơn nhiều so với dự đoán: Lãi suất thực trả là 7,125%, lãi suất danh nghĩa là 6,875%, thấp hơn mức dự kiến ban đầu nằm trong khoảng 7,25-7,5%.
Theo các chuyên gia, mức lãi suất thấp hơn dự báo nhờ gần đây định mức tín nhiệm của Việt Nam được nâng lên rất nhiều dựa vào xếp hạng của Tập đoàn Standard & Poor và Moody, hệ số tín nhiệm càng cao thì lãi suất càng thấp. Đánh giá của các tập đoàn cho thấy trong thời gian tới kinh tế VN vẫn duy trì ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao. So với các nước có cùng hệ số tín nhiệm trong khu vực như Philippine, Indonesia, lãi suất trái phiếu của Việt Nam thấp hơn 1%.
Theo quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, đây là thời điểm tốt nhất để phát hành trái phiếu vì Cục Dự trữ liên bang Mỹ còn tăng lãi suất lên cao hơn nữa. "Trong lúc lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang lên mình phát hành ngay thì có lợi, chờ lúc nó lên rồi mới phát hành thì dở", Bộ trưởng nói.
Tại cuộc họp báo sáng nay, thứ trưởng Băng Tâm cũng khẳng định đây là thời điểm tốt để phát hành trái phiếu quốc tế vì kinh tế VN đang lên, chờ đến lúc thiếu tiền mà phát hành thì áp lực lãi suất sẽ rất lớn. Bà Tâm nói: "Dự báo đến sau 2010, vốn ODA rót cho VN không còn nhiều. Nếu phải vay thương mại lãi suất rất cao lại bị lệ thuộc vào điều kiện nhà thầu, chi phí bảo lãnh... Phát hành ở thời điểm này VN sẽ tiếp cận trực tiếp vào thị trường vốn quốc tế tạo thế chủ động sau này".
Vấn đề được các chuyên gia cũng như nhà đầu tư quan tâm là số tiền vay này sẽ được sử dụng ra sao. Bà Tâm cho biết Tổng công ty điện lực VN cũng xin sử dụng một phần trong khoản vay 750 triệu USD, song do doanh nghiệp này chưa có công ty tài chính, vốn rót về không được quay vòng ngay nên Bộ Tài chính quyết định uỷ thác toàn bộ cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ.
Trả lời VnExpress về phương án trả nợ, ông Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ cho biết, 750 triệu USD chỉ chiếm 1/4 tổng số vốn doanh nghiệp này đang cần (ước khoảng 3 tỷ USD). Số tiền này được đầu tư cho các nhà máy đóng tàu xuất khẩu, mở rộng các nhà máy hiện có. "Chúng tôi đã có đơn đặt hàng đến hết 2009 với số hợp đồng ký chính thức khoảng 1 tỷ USD, hợp đồng thoả thuận ước 0,5 tỷ USD và đang tiếp tục đàm phán đơn hàng cho đến 2012. Do vậy khả năng trả nợ ở trong tầm tay", ông Bình giải thích. Ông tiết lộ thêm, năm 2006 doanh nghiệp này sẽ tiếp tục phát hành một đợt trái phiếu quốc tế nữa để huy động vốn.
Thứ trưởng Tâm tuyên bố không phải Chính phủ cứ phát hành trái phiếu mang về cho doanh nghiệp, mà tới đây các doanh nghiệp phải tự phát hành, Nhà nước chỉ đảm nhận vay vốn cho các trường hợp cần đầu tư cho các chương trình kinh tế chủ lực. "Phát hành trái phiếu để sử dụng và có phương án trả nợ rõ ràng thì không sao, vay để cấp cho ngân sách thì các nhà đầu tư mới lo ngại", bà nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính vẫn tỏ ra quan ngại. Giám đốc Mekong Capital Chris Fund góp ý: "Điều quan trọng là Việt Nam không vay từ nước ngoài quá nhiều. Tỷ lệ phần trăm nợ nước ngoài trên GDP của Việt Nam thường ở mức khá thấp trong quá khứ, và như vậy là rất tốt". Theo chuyên gia này, nếu Việt Nam bắt đầu vay quá nhiều, điều đó có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP ngắn hạn nhưng về lâu dài điều này sẽ đưa đến tính mất ổn định. Tỷ lệ vay nước ngoài thấp đã giúp cho Việt Nam không bị ảnh hưởng xấu bởi khủng hoảng tài chính châu Á trong năm 1997 - 1999 trong khi các nước như Thái Lan và Indonesia bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông cho rằng vốn được tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước là cách phân phối không hiệu quả, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Các scandal gần đây liên quan đến PetroVietnam và Tổng công ty Điện lực VN đã chứng tỏ rằng các doanh nghiệp nhà nước có nhiều vấn đề kém hiệu quả. Ông nói: "Nhà nước nên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thật tốt cho doanh nghiệp, và một hệ thống giáo dục thật tốt. Cơ sở hạ tầng và hệ thống giáo dục được cải thiện sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế, chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực tư nhân và một phần bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài".
Việt Phong