Tại cuộc họp báo sáng nay do Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tổ chức, ông Nguyễn Tiến Chỉnh - Trưởng ban khoa học công nghệ và chiến lược phát triển của Vinacomin chia sẻ về tính khả thi, hiệu quả kinh tế cũng như các vấn đề công nghệ của dự án bô xít Tây Nguyên.
- Tỷ suất hoàn vốn (IRR) đã giảm đi nhiều so với dự kiến, song rất nhiều lần, Vinacomin khẳng định, dự án vẫn có hiệu quả kinh tế. Căn cứ nào để tập đoàn khẳng định như vậy thưa ông?
- Trong phương án cuối cùng tập đoàn, chúng tôi đã tính toán đủ chi phí như phần chuyển nhượng quyền khai thác mỏ, phí môi trường… vào dự án. Hiệu quả kinh tế được tính trong vòng trên 30 năm, thông qua nhiều thông số khác chứ không tính riêng giá cả. Thời điểm khó khăn, hiện Nhà nước giảm thuế xuất khẩu bằng 0%, khi kinh tế phục hồi mức thuế sẽ tăng lên. Chúng tôi khẳng định dự án có hiệu quả về kinh tế và tài chính bởi các tài nguyên không tái tạo thì xu thế giá cả sẽ tăng. Hiệu quả tài chính dù thấp hơn mong đợi nhưng cao hơn tỷ lệ chiết khấu bình quân so với vốn vay trên thị trường vốn. Thời gian hoàn vốn đối với hai dự án Lâm Đồng và Nhân Cơ khoảng 12-13 năm.
Sản phẩm hiện nay mới là thử nghiệm và chuẩn bị đưa đi tiêu thụ, Tập đoàn đã ký kết hợp đồng bao tiêu với Nhật và Công ty Vân Nam Trung Quốc. Hiện chúng tôi đã ký bán cho 8 khách hàng, trong đó có 6 đối tác trong nước và 2 đối tác nước ngoài sản phẩm alumin và hydrat. Mức giá đang đàm phán và đó là bí mật kinh doanh nên chúng tôi không thể công bố, tuy nhiên, số liệu đã được báo cáo cho Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Tiến Chỉnh - Trưởng ban khoa học công nghệ và chiến lược phát triển của Vinacomin. Ảnh: Hoàng Lan |
- Ông khẳng định dự án có hiệu quả nhưng thực tế, so với tính toán ban đầu, 2 dự án có vốn đầu tư tăng tới 7.000 tỷ đồng nhưng đóng góp vào ngân sách lại giảm khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm?
- Tất cả đều là tính toán thôi. Trước kia chúng ta ra một thông số và bây giờ ra thông số khác. Không thể nói Nhà nước thất thu hay giảm thu. Các phương án đều tính toán trong dự án cả. Trong phát triển kinh tế Tây Nguyên có nói về phát triển alumin. Khi đưa hai dự án này vào, Tây Nguyên sẽ phát triển công nghiệp phụ trợ. Dự án đóng góp thuế phí cho ngân sách chung khoảng 400 tỷ mỗi năm.
- Một số ý kiến cho rằng, dự án đã sử dụng công nghệ lạc hậu cách đây một nửa thế kỷ, Vinacomin giải thích thế nào?
- Về công nghệ, dự án đã áp dụng sản xuất alumin bằng phương pháp thủy nhiệt, hòa tách bô xít ở 140-145 độ C với nồng độ kiềm thấp. Tôi xin khẳng định, theo thống kê, trên thế giới có 26/27 nhà máy sử dụng công nghệ này như Tây Úc, Brazil và đây là công nghệ phổ biến trên thế giới. Dự án Tân Rai và Nhân Cơ sử dụng hệ thống khí hóa than thu nhiệt từ hầm lò để tận dụng khả năng cháy của than… Công nghệ này được sử dụng từ 1960 nhưng không thể khẳng định nó là lạc hậu.
Trước kia có sự cố hồ bùn đỏ ở Hungary khiến dư luận lo ngại, song công nghệ xử lý thải bùn đỏ là phương pháp thải khô. Trong quá trình rửa ngược, bùn đỏ xử lý qua 6 bể và 2 thiết bị lắng đọng. Độ PH cho phép từ 10-12. Sau khi thải xong khoảng 10-15 ngày sau là khô tự nhiên, nên không lo vỡ đập như Hungary. Cái nguy hại chúng ta lo ngại là do độ PH, nhưng PH của chúng ta quá an toàn.
- Cảng Kê Gà đã dừng, vậy Vinacomin sẽ tính toán phương án vận chuyển ra sao?
- Chúng tôi không đầu tư vận tải alumin mà thuê các doanh nghiệp để vận chuyển. Dừng cảng Kê Gà là hợp lý và không ảnh hưởng đến dự án. Các cảng khác có khả năng đảm nhiệm thì chúng tôi sẽ vận dụng. Vận tải chúng tôi thuê các doanh nghiệp và tính đủ chi phí bốc dỡ vào dự án.
- Một số ý kiến cho rằng, dự án Nhân Cơ bị mắc kẹt vì phải vận chuyển đường bộ tới 200km và phải đến năm 2015 có đường sắt thì dự án mới khả thi. Ông bình luận thế nào trước kiến nghị dừng dự án Nhân Cơ?
- Dừng dự án Nhân Cơ hay không là vấn đề rất lớn. Đối với một doanh nghiệp, khi đề nghị dừng thì chúng tôi đặt câu hỏi mình sẽ được lợi, hại gì. Ngồi trên một đống tiền đầu tư rồi, công trình đang ngổn ngang, hợp đồng EPC đã ký, vật liệu đang ở chân công trình. Chúng tôi phải hủy hợp đồng sao?
Đối với kiến nghị dừng dự án, Tập đoàn đã tính toán, cân nhắc khi vấn đề này được đặt ra. Chúng tôi không dám dừng dự án Nhân Cơ vì những thiệt hại mà chúng tôi phải gánh vác rất nhiều.
Sau khi tính toán, cân nhắc các thành tố về kinh tế, xã hội và thị trường trong nước và toàn cầu, thuê tư vấn tính toán lại hiệu quả của dự án, tập đoàn nhận thấy có đầy đủ lý do để tiếp tục thực hiện dự án, tuy nhiên, thời gian để thu hồi vốn có thể kéo dài hơn trước đây (thời gian thu hồi vốn sẽ là 13 năm trong phương án tính toán trọn đời dự án là 30 năm, trong khi dự án có thể kéo dài đến 50 năm). Như vậy, dự án vẫn đạt được hiệu quả về kinh tế. Vinacomin khẳng định, tiếp tục làm sẽ tốt hơn so với việc dừng dự án Nhân Cơ.
Còn về ý kiến các nhà khoa học, chúng tôi trân trọng, tiếp thu và mong muốn hợp tác. Thú thực, cũng có ý kiến cũng tác động đến tâm lý chúng. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với các nhà khoa học song phải có người đứng ra tổ chức, ví dụ như Bộ Công Thương chẳng hạn.
- Vinacomin khẳng định dự án có hiệu quả kinh tế tuy nhiên, nếu thực tế không được như kỳ vọng, trách nhiệm sẽ thuộc về ai thưa ông?
Doanh nghiệp phải chiụ trách nhiệm. Vinacomin sẽ chịu trách nhiệm về hiệu quả của dự án trước Đảng và Nhà nước. Cụ thể, người lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn sẽ phải chịu trách nhiệm. Một số năm đầu dự án có thể bị lỗ do lãi vay, yếu tố chi phí tăng lên và nền kinh tế suy giảm khiến giá bán alumin thấp. Dự án có thể lỗ 3-5 năm đầu. Nhưng sau này khi giá đẩy lên thì dự án sẽ có hiệu quả.
Hoàng Lan