Một số khoa học trong nước một lần nữa lại đề nghị dừng triển khai các dự án bô xít Tây Nguyên khi chỉ ra giá bán thành phẩm thấp hơn nhiều dự tính và nguy cơ lỗ hàng chục triệu đôla mỗi năm. Trao đổi với VnExpress ngày 14/5, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) - Nguyễn Mạnh Quân cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, giá bán alumin và các loại khoáng sản khác đều giảm mạnh thì việc lỗ "kế hoạch" trong 5-7 năm đầu tiên là điều không đáng ngại.
Theo giải thích của ông, nếu tính vòng đời dự án là 30 năm thì dự án vẫn thu hồi được vốn, mặc dù thời gian thu hồi vốn bị kéo dài hơn so với tính toán ban đầu (tăng từ 9-10 năm lên 12-13 năm). Dự án vẫn có lợi nhuận và có đóng góp cho ngân sách Nhà nước. "Nếu tính tuổi thọ thực tế của dự án sẽ tồn tại trên 50 năm và xu thế phục hồi của nền kinh tế của thế giới tới đây thì các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế của dự án sẽ tốt hơn nhiều", ông Quân khẳng định.
Dự án bô xít Tây Nguyên bị lỗ kế hoạch 5-7 năm không đáng ngại. Ảnh: Lamdong |
Lãnh đạo Vụ cho hay, theo báo cáo kết quả kiểm tra chính thức của Vinacomin; nếu tính bình quân cả đời dự án 30 năm thì dự án Tân Rai có giá thành sản xuất bình quân 1 tấn alumin là 6,55 triệu đồng (khoảng 311,9 USD), giá bán bình quân 1 tấn alumin xác định là 7,96 triệu đồng (khoảng 379 USD). Ông Quân phân tích, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 8,21%, lớn hơn tỷ suất chiết khấu bình quân r=6,86%. "Như vậy theo tính toán thì dự án có hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế", ông Quân nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam khẳng định, dự án vẫn có hiệu quả kinh tế nhưng thời gian thu hồi vốn dài hơn dự kiến. "Tình hình kinh tế thế giới khó khăn, khiến các ngành kinh tế trong nước nhìn chung đều bị ảnh hưởng, không riêng gì dự án bô xít Tây Nguyên. Bởi vậy, thời gian thu hồi vốn kéo dài hơn", ông Biên khẳng định.
Trước đó, một số nhà khoa học cho rằng Vinacomin bị rơi vào "bẫy giá rẻ" vì đã chọn công nghệ lạc hậu của nhà thầu Trung Quốc và phân xưởng khí hóa than sử dụng công nghệ từ cách đây hơn một nửa thế kỷ. Lãnh đạo tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho hay, dự án bô xít Tây Nguyên sử dụng công nghệ của thế giới và phù hợp với quặng của Việt Nam. Nhà thầu thi công Trung Quốc phải đảm bảo theo dự án phê duyệt, đúng cam kết theo hợp đồng. "Xử lý hồ bùn đỏ hiện rất tốt, bùn chỉ thải ra trong vòng 12-15 ngày thì đã khô và được xử lý qua 6 bồn và 2 hệ thống lắng nên đảm bảo độ an toàn cao và cũng như môi trường", ông Biên cho hay.
Còn ông Quân cho rằng, hiện dự án Tân Rai đang trong quá trình chạy thử, vì vậy, còn "quá sớm để đánh giá và kết luận công nghệ của dự án lạc hậu". Theo ông, cần căn cứ vào đánh giá chính thức của Hội đồng thẩm định, đánh giá công nghệ do Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì với sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm để kết luận. Hiện Hội đồng đang tiến hành công tác thẩm định, đánh giá công nghệ đối với Dự án Tân Rai.
Dự án bô xít Tây Nguyên gây nhiều ý kiến trái chiều. Các nhà khoa học cho rằng, với giá bán thấp, công nghệ lạc hậu hơn nửa thế kỷ, nhà máy Tân Rai bị chuyên gia đánh giá lỗ hàng chục triệu đôla mỗi năm. Giới khoa học kiến nghị dừng Nhân Cơ để tránh rủi ro, trong khi Vinacomin khẳng định vẫn có lãi.
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng giải thích, thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã có sơ suất đưa ra một số số liệu không thống nhất và chưa được thẩm định về hiệu quả kinh tế của dự án Tân Rai và Nhân Cơ tại các thời điểm khác nhau. Chính điều này khiến các nhà khoa học lo ngại về tính khả thi về hiệu quả của dự án. "Các số liệu đó cho thấy dự án có hiệu quả kinh tế, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Tôi cho rằng lo ngại của một số nhà khoa học có thể hiểu và thông cảm được", ông Quân chia sẻ.
Theo ông Quân, Bộ Công Thương đã chấn chỉnh và yêu cầu Vinacomin đánh giá, kiểm tra lại toàn diện hiệu quả dự án, đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ theo cơ chế hiện hành và kết quả tính toán chính thức cuối cùng của Vinacomin cho thấy hai dự án đều có hiệu quả.
Về kiến nghị dừng triển khai dự án Nhân Cơ, ông Quân cho hay, tại cuộc Hội thảo ngày 9/5 vừa qua, Vụ đã có sự thống nhất quan điểm với một số nhà khoa học là cần căn cứ vào kết quả tính toán kiểm tra chính thức của Vinacomin để rà soát, đánh giá lại hiệu quả của hai dự án. Từ đó mới có cơ sở tin cậy để các nhà khoa học này đưa ra luận chứng và đề xuất hướng đi tiếp theo hợp lý.
"Tân Rai và Nhân Cơ là hai dự án quan trọng, đóng vai trò thí điểm và tạo tiền đề cho phát triển ngành công nghiệp Bôxit- Nhôm Việt Nam. Bởi vậy, nếu các dự án có hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế- xã hội và đảm bảo về môi trường thì cần phải tiếp tục thực hiện", ông Quân nói.
Dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin mỗi năm. Đến 31/3, tổng giá trị thực hiện toàn bộ dự án Tân Rai đạt hơn 11.600 tỷ đồng. Cuối năm 2012, dự án đã ra lò sản phẩm alumin đầu tiên. Dự án Nhân Cơ được khởi công năm 2010, khối lượng hoàn thành đạt 51% và dự kiến sẽ có sản phẩm vào giữa năm 2014. Tổng giá trị thực hiện của dự án đến cuối tháng 3 đạt hơn 6.800 tỷ đồng. |
Hoàng Lan