Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng, nêu quan điểm về đề xuất khoanh, giãn nợ với khoản vay 250 triệu USD từ China Eximbank của Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) để triển khai dự án Đạm Ninh Bình hồi năm 2008. Khoản vay này có thời hạn trong 15 năm và tới cuối tháng 3/2017 Vinachem đã trả nợ gốc 87,5 triệu USD, hiện dư nợ vay là 162,5 triệu USD.
Tuy nhiên, do kinh doanh khó khăn, trong một văn bản gửi Bộ Tài chính hồi tháng 4/2017, Vinachem đề xuất loạt giải pháp xử lý khoản nợ này, trong đó tập đoàn kiến nghị sẽ chỉ trả nợ lãi, phí, không trả nợ gốc trong 5 năm (10 kỳ với số tiền 125 triệu USD). Như vậy, tổng số nợ gốc còn lại của khoản vay 162,5 triệu USD sẽ được chủ đầu tư tiếp tục trả từ 2022 đến hết năm 2028.
Cũng theo phương án trả nợ Vinachem đưa ra, từ năm 2017 đến 2022 ngân sách Nhà nước sẽ phải ứng vốn trả nợ cho phía Trung Quốc thay cho Vinchem khoảng 125 triệu USD.
Sau khi rà soát Bộ Tài chính cho rằng, nguồn thu Quỹ tích luỹ trả nợ hiện rất hạn chế và đang phải trả cho nhiều dự án khó khăn khác, như Giấy Phương Nam, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin, hay SBIC)...
Cũng theo cơ quan này, việc đặt vấn đề giãn hoãn nợ với phía ngân hàng Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín, đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia và phạm lỗi chéo giữa tất cả các khoản vay của Chính phủ.
"Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, bội chi cao, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, việc Vinachem đề xuất được giãn nợ khi vẫn có khả năng tập trung nguồn lực để trả nợ nước ngoài là chưa phù hợp”, văn bản của Bộ Tài chính nêu.
Vì thế, Bộ Tài chính yêu cầu Vinachem tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21/7/2017 để không làm ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ.
Ngoài ra, tiếp tục chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng để hoãn giãn nợ vay trong nước, tiếp tục thoái vốn ngoài ngành và sử dụng các nguồn lực này để cân đối nguồn trả nợ cho dự án.
Anh Minh