Tại buổi Tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 tại Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 26/12, ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết các doanh nghiệp truyền hình có sẵn hạ tầng, lại làm nội dung nên không có nhu cầu kết nối. Nhà mạng yếu thế hơn, vừa không thể làm nội dung mà cũng không thể tự phát sóng.
Tuy nhiên, lúc này nhà mạng vẫn chưa thể kết nối được với các doanh nghiệp truyền hình nên phải tìm cách này hay cách khác đi làm nội dung. "Việc này vừa trái nghề, vừa lãng phí các nguồn lực", ông Hùng cho biết. Đây trở thành khó khăn của doanh nghiệp viễn thông khi tham gia thị trường truyền hình.
Do đó, lãnh đạo Viettel đã đề nghị Bộ cần có chính sách về kết nối giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp và đài truyền hình nắm giữ nội dung trên cơ sở hợp đồng thương mại. "Điều này để đảm bảo nhà đài vẫn lãi, còn nhà mạng có nội dung để cung cấp dịch vụ", ông cho biết.
Nếu quy định ra đời sẽ giúp tránh lãng phí nguồn lực, vừa có thể truyền dẫn rộng rãi nội dung truyền hình đến đông đảo khách hàng, đặc biệt là thuê bao vùng nông thôn. Ông Hùng cũng đề xuất việc quản lý giá sàn trong môi trường cạnh tranh để tránh các hành vi đấu đá không lành mạnh, làm hỏng thị trường và gây thất thu cho Nhà nước.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNPayTV cho rằng không có chuyện nhà đài làm khó Viettel hay bất kỳ đơn vị viễn thông nào nhằm cản bước họ bước chân vào thị trường. Ông cũng chia sẻ thêm các doanh nghiệp truyền hình đang e ngại sự có mặt của Viettel vì nhà mạng này đã đưa ra mức giá thấp hơn mặt bằng chung. Viettel đang chào giá thuê bao nông thôn chỉ 30.000-40.000 đồng.
"Giá sàn rất quan trọng và cần phải quản lý, không thể để phá giá", ông Cường nhấn mạnh. Tổng thư ký VNPayTV cũng đề xuất cơ quan chủ quản áp giá sàn để đảm bảo thị trường. "Truyền hình rất ngại chuyện hạ giá quá thấp để cạnh tranh".
Từ trước khi Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cung cấp truyền hình cáp cho Viettel hồi tháng 4 vừa qua (có hiệu lực 5 năm), lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã gửi văn bản đến Quốc hội và Chính phủ. Theo đại diện Hiệp hội, truyền hình trả tiền đang có dấu hiệu bão hòa, kinh tế khó khăn, Nhà nước có chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế nên họ lo ngại những hệ quả xấu khi có thêm Viettel tham gia.
Tại một cuộc họp hồi tháng 9, nguyên Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) kiêm Chủ tịch VNPayTV Vũ Văn Hiến cho rằng sự xuất hiện của các doanh nghiệp viễn thông với tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng cung cấp dịch giá thấp trong truyền tình trả tiền đang khiến các đơn vị hiện tại lo lắng nguy cơ phá giá.
"Các công ty truyền hình có hạ giá dịch vụ, sản phẩm nhưng vẫn trên giá thành quy định nên chưa thể kết luận có chuyện phá giá hay hoạt động không lành mạnh. Tuy nhiên đây vẫn là điều mà các thành viên hiệp hội quan ngại bởi bán sản phẩm dưới giá thành là sự cạnh tranh ghê gớm nhất, nguy hiểm nhất", Chủ tịch VNPayTV nhấn mạnh.
Anh Quân