Số liệu chính thức về thị phần cũng như doanh thu của truyền hình trả tiền lần đầu tiên được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố trong Sách Trắng về Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam năm 2013, ghi nhận sự sụt giảm của gần một nửa nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp chỉ sau một năm.
Năm 2011 cả nước có 47 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trên, đến năm 2012 con số này chỉ còn 27. Thị trường cũng hình thành doanh nghiệp thống lĩnh là SCTV giữ hơn 36% thị phần, còn lại là VTVCab (trước đây là VCTV) nắm 22,67%, VNPT 19,27%, HTVC 15,44%... Giảm mạnh về số lượng nhà đài nhưng doanh thu từ truyền hình cáp vẫn đạt gần 194 triệu USD, chiếm 97% tổng doanh thu lĩnh vực truyền hình trả tiền trong năm 2012 (200,2 triệu USD).
Một trong những yếu tố quan trọng đem lại khoản tiền lớn là sức tăng tốt của lượng thuê bao mới. Năm 2012 có khoảng 4,4 triệu thuê bao truyền hình cáp, tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Phần doanh thu còn lại chia cho truyền hình số mặt đất (1,52 triệu USD trên 3,64 triệu thuê bao) và truyền hình số vệ tinh (4,94 triệu USD, chưa đầy một triệu người dùng). Hiện có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình mặt đất gần VTV, VTC, AVG, HTV và Đài Phát thanh truyền hình Bình Dương.
Hình thức còn lại chỉ có 3 nhà đài nắm giữa thị trường, trong đó VSTV và VTC có vai trò chủ đạo, chia tương đối đều thị phần (43,47% và 43,17%). AVG mới gia nhập cũng giữ trong tay 13,36%.
Trước đó, theo báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), tổng doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam năm 2011 đạt 2 tỷ USD và tăng lên 2,5 tỷ USD vào năm 2012, có tốc độ phát triển nhanh, bình quân 7,3% mỗi năm.
Số liệu được tính trên doanh thu của cả 5 nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền gồm: nội dung, các kênh nước ngoài, biên dịch và biên tập, dịch vụ liên quan đến truyền hình và thuê bao truyền hình trả tiền. Còn các con số của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra trong Sách Trắng chỉ tính trên nhóm doanh nghiệp thứ 5.
Anh Quân