Ngày 31/5, đại diện Vietnam Airlines cho biết hộ chiếu sức khỏe điện tử sẽ tích hợp một số thông tin như dữ liệu sinh trắc học, kết quả xét nghiệm nCoV, tiêm vaccine phòng Covid-19.
Hộ chiếu này có thể thay thế các loại thủ tục bằng giấy tờ hiện nay. Đây là ứng dụng được phát triển bởi Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA), đảm bảo an toàn, thông tin nhất quán giữa các bên gồm chính phủ, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và hành khách, được công nhận tại nhiều quốc gia.
Hành khách có nhu cầu bay quốc tế sẽ tải miễn phí ứng dụng ITP vào điện thoại di động, tạo hồ sơ cá nhân số gồm ảnh và thông tin hộ chiếu, điền thông tin chuyến bay và các thông tin về sức khỏe theo yêu cầu dịch tễ tại điểm đến. Nếu không sử dụng ứng dụng ITP, hành khách phải cung cấp cho hãng bay và nhà chức trách các loại giấy tờ theo yêu cầu.
Trước khi khởi hành, hành khách sẽ xét nghiệm nCoV tại cơ sở được chỉ định bởi Chính phủ và đã đăng kí với IATA, sau đó chia sẻ kết quả xét nghiệm điện tử và xác nhận tình trạng bay với hãng hàng không trước hành trình. Ứng dụng sẽ giúp hãng hàng không và nhà chức trách kiểm tra tính hợp lệ của các chứng chỉ, dễ dàng định danh hành khách. Mọi thông tin được bảo mật và chỉ chia sẻ khi hành khách cho phép.
Theo đại diện Vietnam Airlines, hộ chiếu sức khỏe điện tử có chức năng tương tự hộ chiếu vaccine. Hiện Việt Nam chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai hộ chiếu vaccine cũng như các thỏa thuận liên quan ở cấp chính phủ, nên trước mắt hãng thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử. Việc thực thi chính thức loại hộ chiếu này tiến hành sau khi được các cấp có thẩm quyền cho phép.
Trước thông tin trên, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho biết hiện nay có nhiều chứng chỉ sức khỏe cho hành khách đi lại giữa các quốc gia, song nước này có thể không công nhận giấy tờ của nước kia nên cần có chứng chỉ được công nhận toàn cầu.
Tại Đông Nam Á, Cục Du lịch Singapore đã áp dụng IATA Travel Pass cho phép hành khách sử dụng ứng dụng này khi xuất, nhập cảnh vào Singapore. Cục Du lịch Singapore cũng đánh giá IATA là tổ chức quốc tế tin cậy, hệ thống kết nối toàn cầu, dữ liệu bảo mật cao.
"Khi chưa thể tìm một tổ chức toàn cầu nào khác có chứng chỉ đáng tin cậy hơn, chúng ta có thể sử dụng IATA Travel Pass, đây là giải pháp hữu hiệu để không mất thời gian và nguồn lực khác", ông Chính nói.
Ông Hoàng Nhân Chính cũng nhận định, mỗi nước có một chứng chỉ có các tên gọi khác nhau, song đều là chứng chỉ tích hợp số, xác định hành khách đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc chứng nhận âm tính nCoV. Do đó, Chính phủ cần giao cho cơ quan chuyên ngành như Cục Hàng không nghiên cứu kỹ hơn các nội dung trong chứng chỉ IATA Travel Pass để sử dụng như hộ chiếu vaccine.
Theo IATA, tổ chức này đã đàm phán với các quốc gia để chấp nhận hộ chiếu sức khỏe điện tử, thay vì yêu cầu bắt buộc các chứng nhận bằng giấy tờ. Hiện tại Singapore, Panama và Estonia đã chính thức cho phép hành khách sử dụng ứng dụng IATA Travel Pass khi nhập cảnh.
Ngoài ra, hơn 30 hãng hàng không đã công bố thử nghiệm loại hộ chiếu này, bao gồm Singapore Airlines, Qatar Airway.