Số vốn bổ sung này được Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thực hiện sau khi phát hành thành công thêm gần 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Vietnam Airlines cho biết, tình hình tài chính được cải thiện, tiếp tục mở ra cơ hội để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tạo đà phát triển trong tương lai. "Vietnam Airlines được bổ sung đáng kể về nguồn vốn và dòng tiền, đảm bảo điều kiện niêm yết trên sàn HoSE", doanh nghiệp này khẳng định.
Cách đây vài ngày, Vietnam Airlines đã kiến nghị Thủ tướng xem xét trường hợp đặc biệt của doanh nghiệp này - được duy trì niêm yết cổ phiếu trên HoSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.
Theo Luật Chứng khoán, doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết, nếu tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất. Căn cứ quy định này, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có nguy cơ bị rút hỏi HoSE bởi tính đến hết quý II, hãng đã lỗ luỹ kế hơn 17.770 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng.
Sau đợt phát hành mới đây, các cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu tương ứng là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (55,2%), Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (31,14%) và Tập đoàn ANA (5,62%).
Anh Tú