Kiến nghị này được Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) gửi đến Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp mới đây.
Theo quy định Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ luỹ kế lớn hơn vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết.
Với trường hợp của Vietnam Airlines, tính đến ngày 30/6, doanh nghiệp đã lỗ luỹ kế hơn 17.770 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, Vietnam Airlines kiến nghị Thủ tướng xem xét trường hợp đặc biệt của doanh nghiệp này - được duy trì niêm yết cổ phiếu trên HoSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.
Đồng thời, hãng hàng không quốc gia cũng xin Chính phủ cho chủ trương xây dựng gói giải pháp hỗ trợ tiếp theo, cùng với Đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines. Doanh nghiệp này cũng mong muốn sớm được mở lại đường bay quốc tế đi/đến các quốc gia được coi là an toàn với Covid-19, áp dụng chính sách hộ chiếu vaccine đối với các du khách đã tiêm phòng đầy đủ vaccine Covid-19 nhằm tạo điều kiện cho hoạt động giao thương và góp phần hồi phục kinh tế.
Mới đây, Vietnam Airlines cho biết đã phát hành thành công gần 800 triệu cổ phiếu cho 27.627 cổ đông, thu về hơn 7.961 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu này, vốn điều lệ của Vietnam Airlines tăng lên 22.143 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Các cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu tương ứng là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (55,20%), Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (31,14%) và Tập đoàn ANA (5,62%).
Anh Tú