Việc dừng sáp nhập vào Ngân hàng Xăng dầu Việt Nam (PGBank) đã chính thức được cổ đông Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, diễn ra sáng 21/4.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, sau quyết định của Đại hội đồng cổ đông năm 2015, 2016, ngân hàng đã tích cực, khẩn trương thực hiện giao dịch sáp nhập. Trong quá trình triển khai VietinBank đã cẩn trọng thực hiện soát xét tài chính và định giá PGBank tại nhiều thời điểm với nguyên tắc đảm bảo minh bạch, khách quan. Căn cứ kết quả định giá độc lập của Deloitte, VietinBank đã thực hiện nhiều vòng đàm phán với PGBank.
Tuy nhiên, hai ngân hàng có những quan điểm, lập luận riêng để đảm bảo lợi ích cho ngân hàng và cổ đông của mình, dẫn tới không thống nhất được phương án sáp nhập, cũng như các điều khoản liên quan đến giao dịch.
Vì lẽ đó, Hội đồng quản trị VietinBank trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt chấm dứt giao dịch sáp nhập PGBank vào VietinBank và uỷ quyền cho Hội đồng quản trị thực hiện các công việc cần thiết để chấm dứt giao dịch sáp nhập này.
"Quyết định này xuất phát từ nguyên nhân giao dịch sáp nhập PGBank vào VietinBank là giao dịch sáp nhập tự nguyện, đồng thời ngân hàng cần tập trung nguồn lực cho chiến lược phát triển trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Nói thêm về lý do "chia tay" PGBank, ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc cho biết, do quá trình đàm phán kéo dài, diễn biến thị trường ngân hàng thay đổi nhanh nên hai bên nhận thấy nếu sáp nhập PGBank vào VietinBank chưa chắc đã khai thác được hết các cơ hội như mong muốn. "Bằng nguồn lực tài chính mạnh của ngân hàng, ban lãnh đạo sẽ có biện pháp khác để phát triển kinh doanh, thay thế kế hoạch sáp nhập đưa ra 3 năm trước đây", ông Thọ lý giải.
Tổng giám đốc VietinBank cũng bỏ ngỏ khả năng sẽ tìm kiếm nhà băng khác để sáp nhập, sau vụ mua bán PGBank bất thành. "Việc xem xét mua hay sáp nhập với ngân hàng khác có thể xảy ra nếu chúng tôi thấy cơ hội này tốt, giúp ngân hàng phát triển mạnh mẽ", ông Thọ chia sẻ.
Cuộc hôn nhân bất thành giữa VietinBank và PGBank có dấu hiệu rạn nứt từ giữa năm 2017, khi PGBank có công văn gửi VietinBank đề xuất dừng thực hiện giao dịch sáp nhập. Như vậy, sau gần 3 năm tuyên bố sáp nhập, vụ mua bán giữa hai ngân hàng sẽ chấm dứt.
Về kế hoạch kinh doanh 2018, Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho hay, nhà băng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14%, tổng tài sản tăng 10-12%, song lợi nhuận chưa công bố do đang chờ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phê duyệt.
Ông Lê Đức Thọ cho biết, sau 5 năm giữ nguyên, năm 2018 nhà băng này đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua tăng vốn Nhà nước tại VietinBank. Hiện đề xuất này đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó sẽ phát hành lượng trái phiếu thứ cấp trên thị trường để phục vụ tăng vốn. "5 năm qua dù không tăng vốn điều lệ nhưng ngân hàng vẫn đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định Ngân hàng Nhà nước", ông Thọ khẳng định.
Trước câu hỏi của cổ đông về vụ án Huyền Như ảnh hưởng tới tình hình tài chính của VietinBank, lãnh đạo ngân hàng này khẳng định, đại án Huyền Như hoàn toàn không ảnh hưởng tới "sức khoẻ" tài chính nhà băng này.
"VietinBank không có bất kỳ thiệt hại nào liên quan tới vụ án Huyền Như, dù uy tín có ảnh hưởng nhất định", vị này nói.
Năm 2017 quy mô tổng tài sản hợp nhất của VietinBank đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 15.4% so với 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt 9.206 tỷ đồng, tổng vốn huy động tăng 16,2%.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng được kiểm soát ở mức 1,13%; các chỉ số ROAA và ROAE đạt tương ứng là 0,9% và 12,02%.
Nguyễn Hoài