Hôm nay (21/4), cả Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) lẫn Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) đều họp Đại hội đồng cổ đông.
Một trong những nội dung của cả 3 cuộc họp đều nhắc tới các phương án tái cơ cấu. Nếu như cả PGBank và VietinBank cùng trình cổ đông thông qua việc dừng sáp nhập - một hợp đồng hai bên đã ký từ năm 2015, thì HDBank sẽ trình định hướng hoạt động trong năm nay với một trong những mục tiêu là tìm kiếm đối tác để mua bán - sáp nhập.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, phiên họp cổ đông hôm nay tại 3 nhà băng có thể sẽ hé lộ những thông tin về một cuộc mua bán - sáp nhập, đặc biệt sau khi cuộc "hôn nhân" của VietinBank và PGBank bất thành.
Trước đó, sau khi PGBank và VietinBank cùng tuyên bố huỷ hợp đồng sáp nhập đã ký 3 năm trước, thị trường cũng xuất hiện nhiều tin đồn cho thấy PGBank có thể về với HDBank.
Cách đây 3 ngày, cổ đông lớn nhất sở hữu 40% vốn của PGBank - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với HDBank tại trụ sở của Petrolimex Hà Nội.
Trước HDBank, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đã từng tìm đến PGBank. Tổng giám đốc MB - Lưu Trung Thái cho biết nhà băng này đã nghiên cứu một số đơn vị có triển vọng trở thành đối tác M&A, trong đó có PGBank. Theo ông Thái, hai bên đang trong quá trình “đàm phán, đánh giá, trao đổi sâu”, tuy nhiên vẫn chưa có thỏa thuận cuối cùng nào được thông qua, ký kết.
Đến cuối năm 2017, PGBank có tổng tài sản gần 30.000 tỷ đồng với dư nợ cho vay khách hàng hơn 21.000 tỷ, vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Nợ xấu của nhà băng này có dấu hiệu tăng trở lại khi đến cuối năm 2017, tỷ lệ này là 3,2%. Lần đầu tiên kể từ 2013, tỷ lệ nợ xấu của PGBank vượt quá 3%. Tuy nhiên, so với một số ngân hàng yếu thuộc diện tái cơ cấu, PGBank vẫn được đánh giá thuộc hàng "tốt".
Minh Sơn