Những ngày cận Tết Quý Mão, vườn dưa lưới thủy canh gần 2.000 m2 của anh Hứu Thanh Phú (38 tuổi, Long Phụng, Cần Giuộc) mỗi ngày đón hàng chục khách đến tham quan, chụp ảnh selfie. Nhiều cặp đôi còn đến vườn chụp ảnh cưới, chủ vườn không bán vé nên khách thường mua dưa ủng hộ.
"Lần đầu tiên đến thăm vườn, điều thích thú là những quả dưa chín màu vàng óng được viết thư pháp kim tuyến rất bắt mắt, nên tôi chụp ảnh xong cũng mua về để chưng Tết", chị Trần Thị Nguyệt, du khách chia sẻ.
Ngoài dưa thư pháp với các chữ "Phát tài", "Phát lộc", "Vạn sự như ý", dưa vàng cũng được chủ vườn dùng khuôn thỏi vàng tài, lộc tạo hình, mỗi cặp có giá 450.000 đồng. Tại vườn còn có loại dưa xanh thông thường bán giá 60.000-65.000 đồng một ký. Vụ dưa Tết năm nay, vườn của anh Phú cung cấp cho thị trường khoảng trên 4 tấn trái, chủ yếu qua kênh bán lẻ.
Chủ vườn chia sẻ, trước đây người dân địa phương chủ yếu làm ruộng nhưng năng suất bấp bênh, lợi nhuận lại không cao. Bốn năm trước, sau khi xuất ngũ, anh Phú đọc tư liệu, tham quan mô hình nông nghiệp nhiều nơi. Nhận thấy cây dưa lưới có tiềm năng, anh bỏ lúa, trồng thử nghiệm 1.000 m2 dưa lưới thủy canh trong nhà màng với chi phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng.
Ưu thế của mô hình thủy canh là chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng mỗi lần đầu tư chủ vườn có thể dùng đến 5 năm. Ngoài ra, nhà màng có tác dụng ngăn sâu bệnh, hệ thống dung dịch dinh dưỡng sẽ được máy bơm tự động đưa đến từng gốc dưa, giảm chi phí, nhân công chăm sóc.
Do có nhiều giống dưa lưới khác nhau, không phải loại nào cũng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, anh Phú phải thử đến 20 giống mới thành công. Giống dưa lưới hiện tại xuất xứ Đài Loan, trái to, vỏ vàng óng bắt mắt, vị ngọt thanh, dễ chăm sóc. Do thời gian từ lúc gieo hạt đến thu hoạch mất 75 ngày, anh Phú phải trồng xen để cung cấp đủ dưa cho thị trường.
Chủ vườn cho hay mỗi năm gia đình trồng 3 vụ dưa, riêng vụ dưa Tết bắt đầu gieo hạt từ tháng 10 âm lịch. Dưa lưới thỏi vàng khi được hơn một tháng tuổi nhân viên kỹ thuật bắt đầu đặt trái vào khung định hình. Với dưa thư pháp, khi còn khoảng một tuần nữa thu hoạch, chủ vườn chọn những trái tròn, to, da đẹp, chờ có đơn đặt hàng sẽ thuê người viết thư pháp trực tiếp khi còn trên cây. Người viết mất chừng một tiếng để hoàn thành thư pháp theo yêu cầu. Từ ngày 20 tháng Chạp, chủ vườn bắt đầu thu hoạch bán cho khách.
"Dưa thư pháp và thỏi vàng có thể chưng Tết 10-15 ngày, vườn đã nhận đơn đặt hàng của khách qua mạng xã hội gần 100 cặp", anh Phú nói và cho biết đang lên kế hoạch mở rộng quy mô vườn thêm 1.000 m2. Chủ vườn cũng đang xây dựng thương hiệu dưa lưới Long Phụng, đăng ký tiêu chuẩn VietGAP hướng đến sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Trần Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Long Phụng, nhận định trồng dưa lưới trong màng của anh Phú là mô hình đầu tiên ở địa phương cho thấy hiệu quả rõ rệt. Vốn đầu tư ban đầu cao nhưng cây dưa lưới cho thu nhập ổn định, lợi nhuận cao, trừ chi phí mỗi vụ lãi khoảng 100 triệu đồng. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của dưa lưới tương đối ngắn, chủ vườn có thể canh tác nhiều vụ trong năm, nhanh thu hồi vốn đầu tư.
Hiện tại ngoài kênh bán lẻ, dưa lưới tại vườn anh Phú đã đăng ký sàn giao dịch điện tử và ký hợp đồng với một số siêu thị. "Ngoài ra, vườn cũng là nơi các sinh viên đến thực tập, nhiều nông dân địa phương khác đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm", ông Thanh nói.
Hoàng Nam